Không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã tạo được những chuyển biến tích cực trong cộng đồng dân cư. Chương trình xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về văn hoá và cơ sở vật chất về văn hoá. Thực tế cho thấy hai phong trào, chương trình này có liên quan mật thiết, tương trợ lẫn nhau...

Theo quy định xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ngoài các tiêu chí về thu nhập, giao thông, thuỷ lợi, trường học… thì phải có 70% các thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Năm 2017 tỉnh ta phấn đấu xây dựng 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong khi đó mục tiêu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" giai đoạn 2016 - 2020 là đến năm 2020 có 72% làng, thôn, bản, tổ phố đạt và giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” (Khu dân cư văn hoá). Riêng năm 2017 phấn đấu 64% đạt danh hiệu thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hoá.

Không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân ảnh 1

Trung tâm Văn hoá tỉnh triển khai xây dựng câu lạc bộ văn hóa, thể thao - làng văn hóa tại xã Vân Tùng (Ngân Sơn).

Đầu tháng 4 vừa qua bà con nhân dân ở Khu II, xã Vân Tùng (Ngân Sơn) và thôn Pù Lùng, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) rất phấn khởi vì được cán bộ của Trung tâm Văn hoá tỉnh và cơ quan liên quan trực tiếp xuống giúp đỡ xây dựng câu lạc bộ văn hoá, thể thao - làng văn hóa. Trong thời gian 1 tuần tích cực hướng dẫn, tập luyện, cả Khu II, xã Vân Tùng (Ngân Sơn) và thôn Pù Lùng, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) đã thành lập được câu lạc bộ văn hoá, thể thao gồm có đội tuyển thi đấu thể thao và đội tuyển văn nghệ. Các thành viên tích cực tập luyện, đem đến cho bà con các tiết mục văn nghệ, tham gia các trận thi đấu thể thao trong không khí hào hứng, đoàn kết, góp phần khơi dậy phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao trọng cộng đồng.

Thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể thao là một trong những phần việc để hoàn thành xây dựng “Làng văn hoá”. Theo kế hoạch, trong tháng 4 và tháng 5 này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn toàn tỉnh. Đối tượng là thành viên trong ban chỉ đạo phong trào này từ tỉnh đến huyện, xã. Các thành viên này sẽ trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn thôn, bản xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở cũng như duy trì, giữ vững danh hiệu làng văn hoá đã được công nhận.

Việc xây dựng “Làng văn hoá” đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân trong cộng đồng dân cư. Vấn đề ở đây là làm sao duy trì, đẩy mạnh, giữ vững được tại các thôn, bản, đồng thời nhân rộng mô hình. Mặc dù là thôn vùng cao 100% là đồng bào dân tộc Dao nhưng Nà Vài, xã Xuân La (Pác Nặm) được biết là một trong những thôn văn hoá tiêu biểu luôn giữ vững được danh hiệu này trong nhiều năm. Trưởng thôn Triệu Văn Pu cho biết: Nhờ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” mà thôn đã xây dựng được quy ước, hương ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, dần dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu để góp phần xây dựng đời sống no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Đời sống văn hoá, tinh thần ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá" trên 75%, có năm đạt trên 96%. An ninh chính trị luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, kinh tế phát triển nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung trồng rừng, chăn nuôi gia súc…

Thực tế cho thấy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với nhiệm vụ xây dựng "Làng văn hoá" cần được gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện các phong trào này thật sự có chất lượng, hiệu quả thì cần có sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng dân cư./.

Phương Thảo