Mùa cốm ở Bạch Thông

Tại Bạch Thông, phụ nữ một số xã có nghề làm cốm, vừa để ăn trong gia đình, vừa làm thức quà đặc sản đem bán để thêm thu nhập.

Chị Xuyến ở thôn Khuổi Thiêu tranh thủ hái nếp về làm cốm
Đây là năm thứ 2 chị Hà Thị Xuyến ở thôn Khau Mạ, xã Hà Vị hái thóc nếp làm cốm bán.

So với các giống lúa thuần hay Bao thai, giống lúa nếp thường có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn. Tuy nhiên để làm ra những hạt cốm ngon, dẻo thường người nông dân phải hái khi bông lúa vẫn còn non, màu xanh ương, nếu bông lúa vàng già thì không thể làm thành cốm. Trước đây rất nhiều địa phương cấy nếp để dự trữ thóc làm bánh trái cho dịp Tết, do nhu cầu thưởng thức trong đời sống ngày một tăng nên mấy năm gần đây, nhiều hộ dân ở các xã như  Hà Vị, Tú Trĩ, Lục Bình làm cốm số lượng lớn để bán kiếm thêm thu nhập. Hiện tại 1kg cốm có giá dao động từ 80.000 đến 100.000 đồng, cao hơn nhiều lần so với giá gạo.

Bên thửa ruộng lúa nếp đang độ ương xanh ở thôn Khau Mạ, xã Hà Vị, vừa gặt từng khóm lúa nếp chị Hà Thị Xuyến vui vẻ cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ làm cốm để ăn, nhưng nhận thấy làm cốm bán có thu nhập nên vụ vừa qua tôi đã cấy giống nếp trên diện tích 1.000m2. Làm cốm, bình quân mỗi ngày tôi bán được 10kg, làm ngày nào bán hết ngày đó”. Kết thúc vụ, chắc chắn gia đình chị Xuyến sẽ thu về số tiền kha khá.

Theo chị Xuyến, làm cốm không khó, nhưng phải nắm chắc các công đoạn. Trước tiên phải biết chọn nhưng bông lúa non, có màu xanh ương rồi lấy về tuốt ra rửa sạch, bỏ đi những hạt lép, rơm rạ. Tiếp đó mang về hấp chín, bỏ ra để nguội, sau đó mang đi rang, thời gian rang khoảng 30 - 35 phút sao cho hạt thóc có độ se lại, vỏ dễ róc là được. Cuối cùng để nguội rồi mang đi giã, sàng cho sạch vỏ trấu là ăn được.

Cứ đến mùa nếp chín chị em các xã ở Bạch Thông lại cùng nhau làm cốm
Cứ đến mùa nếp chín, phụ nữ các xã ở Bạch Thông lại cùng nhau làm cốm.

Bà Tô Thị Nịnh ở thôn Lủng Chang, xã Lục Bình cho hay: “Ở thôn hầu như gia đình nào cấy lúa nếp cũng đều làm cốm ăn. Cốm ở đây chủ yếu được cấy từ giống nếp địa phương, một số là giống nếp cái hoa vàng, vì thế khi làm ra cốm ăn rất dẻo, thơm không hề thua kém cốm ở những vùng khác". Đặc biệt người nông dân làm ra những hạt cốm hoàn toàn tự nhiên, không có tác động hóa chất vì thế người ăn cũng rất yên tâm. Cốm là thức ăn được rất nhiều người ưa thích, nếu kết hợp với bánh đậu xanh thì càng thêm tuyệt vời".


Đồng chí Nguyễn Văn Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Hà Vị cho biết: “Ở trong xã hiện đã có số thôn như Cốc Sả, Khuổi Thiêu, Khau Mạ có phong trào làm cốm để bán, một số chị em đã tự liên kết lại thành một nhóm bán cốm ở chợ Minh Khai (thành phố Bắc Kạn). Đến nay nhóm bán cốm này đã tạo thành một địa chỉ quen thuộc đối với người dân thành phố yêu thích cốm”.


Toàn xã Hà Vị vụ này cấy được gần 10ha giống nếp, mỗi vụ cốm nhiều hộ dân thu về hàng chục triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn. Theo người dân địa phương cốm chủ yếu được làm từ giống nếp cái hoa vàng, nếp bản địa mà nhân dân vẫn treo trên gác bếp làm giống. Thường thì bông nếp làm cốm được người dân hái rất cận thận, khi làm ra thành phẩm phải được ăn ngay trong ngày mới cảm nhận hết độ ngon, dẻo, thơm của cốm. Thời vụ làm cốm chỉ diễn ra trong khoảng 1 tháng, vì thế nếu không tranh thủ thưởng thức những hạt cốm non xanh do người nông dân làm ra, thì sẽ thật đáng tiếc..../.
 

Thu Trang