Ngân Sơn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện Ngân Sơn, giúp khơi dậy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng gia đình, làng, xóm, đơn vị văn hóa, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, huyện Ngân Sơn đã đưa các chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững. Hằng năm, Ban chỉ đạo (BCĐ) đề ra những yêu cầu, nội dung thích hợp của địa phương để xây dựng kế hoạch hoạt động cho sát thực tế, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của từng địa phương, thông qua đó khơi dậy niềm tự hào, tính cộng đồng, tính tự quản của nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Thôn văn hóa Khu Chợ, xã Thuần Mang được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Thôn văn hóa Khu Chợ, xã Thuần Mang (Ngân Sơn).

Ban chỉ đạo các cấp của huyện đã có những chủ trương, giải pháp tích cực nhằm chỉ đạo công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa có hiệu quả. Phối hợp với các cấp hội, đoàn thể lồng ghép với các phong trào xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, không sinh con thứ ba”... Các cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc, cổ vũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, toàn huyện Ngân Sơn có 79,6% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 62,3% thôn, làng, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hoá; 93% cơ quan, đơn vị đạt công sở văn hoá.

Các quy ước, hương ước, quy định nếp sống văn minh được xây dựng và quy định chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của địa phương. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện được đông đảo nhân dân các thôn, khu dân cư hưởng ứng và duy trì tốt. Phần lớn các đám cưới, đám tang và lễ hội tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, khơi dậy và phát huy được bản sắc văn hóa.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức sôi nổi, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển. Phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp, số người tập thể dục thể thao thường xuyên so với tổng số dân đạt 23,3%. Phong trào góp phần hình thành các câu lạc bộ thể thao ở nhiều bộ môn như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... Cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa từng bước được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa ở cơ sở. Đến nay, Ngân Sơn có 104/174 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Ngân Sơn không chỉ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc... Từ đó, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị.

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển có chiều sâu, đồng bộ và thực sự trở thành phong trào rộng lớn, thời gian tới huyện Ngân Sơn tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố, đơn vị, cơ quan, trường học văn hóa, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo... góp phần xây dựng nếp sống văn hóa tại cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2020 huyện có 85% hộ trở lên đạt gia đình văn hóa, 50% thôn, khu dân cư văn hóa, 92% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa và 100% thôn, khu phố có nhà văn hóa./.

Lý Dũng