Những nông dân đam mê sáng chế

Từ thực tiễn sản xuất, cùng với niềm đam mê sáng tạo, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu và sáng chế ra nhiều công cụ, máy móc có tính ứng dụng cao, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương.

Gặp anh Trương Văn Thủy ở thôn Còi Mò, xã Tân Tú (Bạch Thông), người vừa được vinh danh tại Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam (do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức), chúng tôi được nghe anh kể về công trình sáng tạo “Cải tiến lò sấy gỗ” của mình. Năm 2019, khi xưởng mộc của anh mở rộng quy mô sản xuất, đòi hỏi phải có số lượng lớn về nguyên liệu gỗ đã qua xử lý để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thông thường, gỗ được phơi tự nhiên phải mất khoảng 3 tháng, hoặc nếu xây dựng lò sấy sẽ mất chi phí khoảng 300 triệu đồng. Không có nhiều vốn đầu tư, anh Thủy ngày đêm mày mò, thử nghiệm nhiều phương pháp, cuối cùng xây được lò sấy hấp với tổng chi phí 15 triệu đồng. Lò hoạt động theo cơ chế đốt bình nước có vách điều dẫn khói tỏa xuống, khi đó lửa sẽ làm cho bình nước sôi lên, khói lẫn hơi nước hấp thụ vào gỗ. Trong thời gian khoảng 7 ngày, lò sấy cho ra khoảng 7m3 gỗ đảm bảo chất lượng, không cong vênh, mối mọt, không bị co ngót theo thời gian.

Cũng theo anh Thủy, ưu điểm khi sử dụng lò hấp sấy gỗ là tận dụng được các chất đốt tại chỗ như: Phoi bào, mùn cưa, mẩu gỗ thừa... Đặc biệt, khói được hấp thụ hết vào gỗ nên không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trước đó, năm 2017, anh đã sáng chế ra “Máy bào thẳm dọc” với chi phí ban đầu chỉ khoảng 5 triệu đồng, năng suất tương đương với khoảng 15 lao động trực tiếp làm, hơn nữa lại đảm bảo an toàn. Hiện, trung bình mỗi năm, xưởng mộc của anh cung cấp các loại đồ gia dụng, đồ nội thất ra thị trường với tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng. Xưởng là nơi đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho khoảng 8 - 10 lao động ở địa phương. Sản phẩm “Máy bào thẳm dọc” đã đạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ VII, năm 2018 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Anh Trương Văn Thủy (áo trắng) được trao chứng nhận công trình “Cải tiến lò sấy gỗ” được công bố trong sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.
Anh Trương Văn Thủy (áo trắng) được trao chứng nhận công trình “Cải tiến lò sấy gỗ” trong Lễ vinh danh sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.

Đối với anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Pò Nim, xã Cường Lợi (Na Rì), xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, gắn bó với cây ngô, cây lúa, nhận thấy bà con địa phương chủ yếu canh tác ở khu vực đất soi bãi, sườn đồi dốc dưới hình thức lao động thủ công, rất vất vả, tốn nhiều công sức. Năm 2010, anh Tuấn nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy giúp nông dân làm việc trên đồng ruộng được dễ dàng hơn. Nghĩ là làm, anh mày mò, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các loại máy móc nông nghiệp thông thường, rồi chế tạo ra chiếc máy đa năng gồm 10 hệ thống công cụ. Sau khi đưa vào thử nghiệm, máy có thể cào cỏ, cuốc, xới đất, vun ngô, đánh luống, tra hạt... Máy có hệ thống số tiến, lùi, có thể chuyển hướng linh hoạt, dễ dàng sử dụng trên địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, ruộng thụt lún.

Anh Tuấn cho biết: Kể từ khi chế tạo thành công loại máy này, nhiều người đã tìm đến đặt mua. Trong quá trình sử dụng, chưa có máy nào xảy ra lỗi hay hỏng hóc. Tốc độ làm việc của máy tương đương với 10 công lao động thông thường. Năm 2016, anh Tuấn quyết định thành lập HTX dịch vụ Thành Ngân, hoạt động đa ngành nghề gồm: Sửa chữa xe máy, sản xuất máy nông nghiệp đa năng, vận hành máy gặt đập liên hoàn. Trong đó, việc sản xuất máy nông nghiệp đa năng chủ yếu do anh Tuấn đảm nhiệm. Từ sản phẩm trên, năm 2017, anh được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tặng bằng khen sáng chế.

Những năm gần đây, đã có nhiều sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật của nông dân trong tỉnh được ứng dụng rộng rãi. Những sáng chế, cải tiến của người nông dân tuy nhỏ nhưng đã phát huy tư duy sáng tạo, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình lao động, sản xuất. Nhiều năm nay, các hội thi như: Sáng tạo kỹ thuật tỉnh do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức; hội thi Sản phẩm sáng tạo do Hội nông dân tỉnh chủ trì đã thu hút nhiều nông dân tham gia. Các đề tài, sáng chế dự thi đều có ý tưởng xuất phát từ thực tiễn sản xuất, bắt nguồn từ những trăn trở của nông dân trong quá trình lao động hằng ngày. Sự sáng tạo của họ đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị kinh tế cho các hộ nông dân./.

Thu Hường

Xem thêm