Nỗ lực kích cầu du lịch

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn đã và đang có những chương trình, hoạt động thiết thực để kích cầu, tạo tiền đề phát triển trong thời gian tiếp theo...

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn đã và đang có những chương trình, hoạt động thiết thực để kích cầu, tạo tiền đề phát triển trong thời gian tiếp theo...

Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, trong đó nổi bật là Vườn Quốc gia Ba Bể với trung tâm là hồ Ba Bể, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới (tổ chức tại Mỹ năm 1995) công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ; năm 2011 được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) và là danh lam thắng cảnh được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt” vào năm 2012 theo Quyết định 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN (2004).

Tiềm năng du lịch của tỉnh còn nằm ở nền văn hóa đa dạng, phong phú (phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao). Những làn điệu then, đàn tính, hát sli, lượn… mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào vùng cao. Cùng với đó là những di tích lịch sử mang dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong kháng chiến. Các điểm di tích lịch sử văn hóa của tỉnh đã kết nối với các điểm du lịch lân cận như ATK Định Hóa (Thái Nguyên), khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng)…

Với sự nỗ lực chung, lĩnh vực du lịch của tỉnh trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả, như: Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân giai đoạn 2004 - 2018 là 13%/năm. Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2010 - 2018 tăng bình quân 13%/năm. Năm 2019, tổng số khách du lịch đến với tỉnh là hơn 528.000 lượt (khách nội địa gần 510.000 lượt, khách quốc tế gần 19.000 lượt), doanh thu du lịch đạt gần 350 tỷ đồng, so với năm 2018 tăng cả về lượng khách lẫn doanh thu.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, cũng như các địa phương khác, lĩnh vực du lịch của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng do dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch giảm mạnh so với năm 2019. Đơn cử như theo Ban Quản lý khu du lịch Ba Bể, lượng khách đến tham quan tại Khu du lịch hồ Ba Bể từ đầu năm đến hết tháng 10 chỉ đạt gần 30.000 lượt, giảm hơn 35.000 lượt so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với những kết quả trong công tác chống dịch, thời gian gần đây, theo tinh thần “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, hoạt động đón khách du lịch nội địa của tỉnh đã dần trở lại bình thường và từng bước khôi phục. Thực tế cho thấy, trong khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Để đồng hành cùng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đã triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện duy trì, khôi phục hoạt động.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh đã chủ động nghiên cứu thị trường, thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Cùng với đó, đầu tháng 11 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2020. Tại sự kiện này, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch của tỉnh đã phát biểu hưởng ứng với việc đưa ra nhiều chương trình, hoạt động nhằm kích cầu du lịch. Cụ thể, các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, homestay ở khu vực hồ Ba Bể cùng cam kết giảm giá từ 15 – 30% mức giá niêm yết cho các công ty lữ hành, khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan du lịch và sử dụng dịch vụ.

Nỗ lực kích cầu du lịch ảnh 1

Doanh nghiệp, đơn vị hoạt động du lịch của tỉnh ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn được thành lập cũng được kỳ vọng sẽ trở thành ngôi nhà chung để các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, các cá nhân đam mê du lịch cùng hoạt động, hợp tác phát triển, giúp cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình kết nối vùng du lịch với các tỉnh vùng Đông Bắc, các trung tâm du lịch lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… để phát huy thế mạnh du lịch vùng, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Ngay tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc với chủ đề "Kết nối tinh hoa" diễn ra tại Quảng Ninh vào ngày 20/11 vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn và một số doanh nghiệp, đơn vị hoạt động du lịch của tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Đây cũng là một trong những điểm nhấn và kỳ vọng sẽ tạo nhiều chuyển biến trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn trước mắt và hướng tới mục tiêu lâu dài, cùng với việc tỉnh cần có các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tế của địa phương thì ngành chức năng cần tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hằng năm và dài hạn phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu thực tế. Làm tốt công tác xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án, dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái... nhằm góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh như mục tiêu đã đề ra./.

Hoàng Vũ