Đề án OCOP ở thành phố Bắc Kạn

Bài 1: Triển khai sâu rộng Chương trình OCOP

Xác định Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thành phố Bắc Kạn đưa vào chương trình trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Sự chung tay vào cuộc

Sản phẩm OCOP của thành phố được bày bán, giới thiệu tại các cửa hàng.
Sản phẩm OCOP của thành phố Bắc Kạn được bày bán, giới thiệu tại các cửa hàng.

Tháng 5/2018, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020, thực hiện đề án này, thành phố Bắc Kạn đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), tổ giúp việc, đồng thời giao Phòng Kinh tế thành phố là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình OCOP; xây dựng quy chế hoạt động của BCĐ; quy chế đánh giá xếp hạng sản phẩm của hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm; kế hoạch thực hiện cho từng năm, thành lập tổ thư ký đánh giá xếp hạng; lựa chọn mô hình sản phẩm tham gia…

Cùng với đó, hằng năm, thành phố Bắc Kạn triển khai ít nhất 02 lần hội nghị triển khai đề án OCOP có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh cùng nắm và lồng ghép ở các cuộc họp giao ban, hội thảo... Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Chương trình OCOP đã được triển khai sâu rộng ở 8/8 xã, phường, đến nay đã có 6 tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia vào Chương trình OCOP với 28 sản phẩm đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, các sản phẩm đều có nhãn hiệu, sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.

Bà Đinh Thị Liễu- Trưởng phòng Kinh tế thành phố Bắc Kạn, cơ quan thường trực thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thành phố cho biết: Xác định xây dựng sản phẩm OCOP sẽ tạo sức bật mới cho nông nghiệp, do đó, hằng năm phòng đã tham mưu đưa chỉ tiêu phát triển OCOP vào chương trình trọng tâm chung trong chỉ đạo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của thành phố. Trong triển khai thực hiện, với phương châm vừa tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng sản phẩm có lợi thế; hỗ trợ, hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ liên quan; xây dựng mẫu mã bao bì; tăng cường tập huấn, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu; lồng ghép triển khai theo chức năng của từng ngành, lĩnh vực gắn với các hoạt động của Chương trình OCOP, đồng thời, vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành. Từ khi triển khai Chương trình đến nay thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn liên quan và các tổ chức kinh tế, cá nhân có sản phẩm OCOP tham gia nâng hạng và sản phẩm đăng ký mới.

Các chính sách, nguồn lực được áp dụng hiệu quả

Để triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo đồng bộ từ cấp thành phố đến xã, phường theo chu trình hằng năm. Bám sát chủ trương của cấp trên, hỗ trợ các tổ chức kinh tế cá nhân tham gia chương trình nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng giá trị gắn với thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện chi tiết, cụ thể công việc trong từng năm...

Các đơn vị tham gia chương trình thường xuyên được cấp trên tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cũng như được tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Giai đoạn 2018-2020, thành phố đã tổ chức hơn 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về an toàn thực phẩm, quản lý HTX, thực hiện phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; nghiệp vụ sở hữu trí tuệ; bảo hộ nhãn hiệu… Các đơn vị tham gia Chương trình OCOP sau khi được học tập kinh nghiệm bổ ích áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, tạo ra sản phẩm ngày càng có chất lượng, mẫu mã bắt mắt, tạo được uy tín trong thị trường.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế được tham gia các chính sách ưu đãi, chương trình, dự án, cụ thể như: HTX rượu chuối Tân Dân được hưởng chính sách hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận sản xuất và xây dựng nhà xưởng, nhà kho, sân phơi sản phẩm; HTX Nông nghiệp Tân Thành được hỗ trợ chính sách thực hiện mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; HTX Minh Anh được hỗ trợ mua sắm máy móc trang thiết bị để sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô tập trung, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu; HTX Nông nghiệp Tân Thành được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, nhà kho, sân phơi sản phẩm; Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà được hỗ trợ xây dựng trung tâm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP…

Bà Nông Thị Biệt- Giám đốc HTX Minh Anh chia sẻ: Từ việc được hưởng chính sách hỗ trợ mua sắm máy móc trang thiết bị để sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô tập trung không những là động lực mà còn thúc đẩy phát triển của HTX ngày càng bền vững. HTX Minh Anh hiện đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng với đủ các loại máy như: Máy sấy nguyên liệu, máy đảo trộn nguyên liệu, máy đóng bịch đa năng, boox cấy vô trùng; nhà xưởng trồng nấm, kho lạnh cao cấp, trại chăn nuôi gia súc gia cầm theo đúng nhiệm vụ của HTX là nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu; bán buôn, bán lẻ các loại nấm ăn và bịch nấm; chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng nấm; nuôi lợn sạch, gà sạch. Doanh thu năm 2019 đạt trên 550 triệu đồng, đến năm 2020 tăng lên đạt hơn 1 tỷ đồng./. (Còn nữa)

Tùng Vân

Xem thêm