Đề án OCOP ở thành phố Bắc Kạn

Bài 2: Cơ hội cho các sản phẩm có lợi thế

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) góp phần khai thác tiềm năng lợi thế, mở ra cơ hội mới cho phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.

Sức bật từ Chương trình OCOP


Qua gần 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố đã tạo được nhận thức quan trọng về sản xuất hàng hóa và tổ chức dịch vụ đa dạng hóa sản phẩm. Sản phẩm OCOP tạo được dư luận tốt, bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường, một số mặt hàng được xuất khẩu ra nước ngoài, tạo sự gắn kết giữa sản xuất sản phẩm với Chương trình OCOP. Các sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn nổi trội như: Sản phẩm Curcumin của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà; nghệ của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành; nấm linh chi của HTX Minh Anh… đã nhận được nhiều đơn đặt hàng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, đại lý, nhà hàng, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong tỉnh và nhiều tỉnh bạn. Qua đó, mở ra hướng phát triển cho các vùng sản xuất nguyên liệu, cũng như tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng, mở rộng thị trường.

Với mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu, nuôi gà, nuôi lợn sạch theo chuẩn OCOP, hiện nay doanh thu của HTX Minh Anh, phường Xuất Hóa đạt trên 1 tỷ đồng.
Với mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu, nuôi gà, nuôi lợn sạch theo chuẩn OCOP, hiện nay doanh thu của HTX Minh Anh, phường Xuất Hóa đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

Chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm được chú trọng; công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung vào các dịp hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại ở trong và ngoài tỉnh. Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại các cuộc lễ hội, hội nghị, trưng bày giới thiệu sản phẩm là cách làm khá mới, sáng tạo so với những năm trước đây, từng bước đem lại kết quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sự lan toả tới người dân và từng bước mở ra hướng phát triển các sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của toàn thành phố chỉ còn 1,68% và 1,5% cận nghèo, thấp nhất so với các địa phương  trong tỉnh. Trong 10 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản 5 năm (2015 - 2020) giảm đáng kể.

Đến nay, thành phố Bắc Kạn xây dựng được tổng số 28 sản phẩm OCOP của 6 tổ chức kinh tế, trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao và 16 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm  xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường như: Vi-cumax Nano Curcumin của Công ty Cổ phần Bắc Hà; rượu chuối Tân Dân, chuối sấy dẻo, dấm rượu chuối của HTX rượu chuối Tân Dân; tinh nghệ Bắc Kạn, viên tinh nghệ mật ong của Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn; mộc nhĩ thái chỉ, trà túi lọc linh chi, nấm sò tươi, nấm linh chi nguyên tai, mộc nhĩ khô, bonsai linh chi của HTX Minh Anh; tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn cao cấp  của HTX Nông nghiệp Tân Thành… Sản phẩm Vi-cumax Nano Curcumin của Công ty Cổ phần Bắc Hà đang chờ kết quả đánh giá nâng hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Thành phố cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng cửa hàng trưng bày giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP. Hiện có 4 cửa hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Một số điển hình như: Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà, khi chưa tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, doanh thu của đơn vị mới chỉ đạt 931 triệu đồng, sau khi đạt sản phẩm OCOP, doanh thu tăng lên đạt trên 2,58 tỷ đồng; HTX  rượu chuối Tân Dân, trước khi tham gia OCOP, doanh thu đạt 250 triệu đồng, sau khi xây dựng đạt chuẩn OCOP, doanh thu đạt 650 triệu đồng; Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn sau khi đạt chuẩn, doanh thu tăng từ 3,6 tỷ đồng lên 6,5 tỷ đồng; sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn cao cấp của HTX Nông nghiệp Tân Thành khi xây dựng đạt OCOP, doanh thu của đơn vị tăng từ 2,3 tỷ đồng lên 6,4 tỷ đồng…

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025


Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, sự vào cuộc chủ động, tích cực của phòng chuyên môn, các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chương trình OCOP đã có những kết quả đáng ghi nhận. Đây là một minh chứng rõ nét từ sự cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu từ việc xác định mục tiêu, lựa chọn hướng đi, cách làm, đến nay thành phố đã thực hiện khá thành công Chương trình OCOP.

Từ kết quả đã có được, thành phố Bắc Kạn đề ra mục tiêu, danh mục sản phẩm chủ lực dự kiến xây dựng OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đó là: Tiếp tục duy trì, nâng cấp các sản phẩm đã đạt và phát triển mới trên 30 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên cấp tỉnh công nhận và phấn đấu có 01 sản phẩm đạt cấp quốc gia.

Chương trình OCOP tạo được sân chơi bình đẳng, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng. Chương trình còn tạo được nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Những kết quả ban đầu và hiệu ứng lan tỏa sẽ là nền tảng để Chương trình OCOP thành phố Bắc Kạn thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ theo hướng bền vững và lâu dài./. Hết.

Tùng Vân

Xem thêm