Hướng tới hoàn thiện và nâng hạng sản phẩm OCOP

Tỉnh Bắc Kạn hiện có 131 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Điều này cho thấy sức sáng tạo, sự tích cực của Nhân dân và các tổ chức kinh tế trong phát triển, đa dạng các sản phẩm OCOP. Tiền đề để tỉnh tiếp tục hoàn thiện, nâng hạng các sản phẩm OCOP; phấn đấu đến năm 2025 có thêm 70 sản phẩm mới đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 02 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia.

Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà Bắc Kạn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm
Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà Bắc Kạn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

131 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên

Triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) từ năm 2018, đến nay sức lan tỏa sâu rộng của Chương trình cho thấy tỉnh đã phát huy hiệu quả kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh, lợi thế địa phương, nhất là những đặc sản, sản phẩm đặc trưng… Mặc dù mục tiêu trong giai đoạn 2018 – 2020 là 40 sản phẩm, nhưng toàn tỉnh đã thực hiện vượt, với 131 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó 13 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động khu vực nông thôn.

Theo số liệu điều tra trên 29 sản phẩm cho thấy, tổng doanh thu sau khi tham gia OCOP đạt trên 18 tỷ đồng, bình quân đạt 631 triệu đồng/sản phẩm/năm, lợi nhuận bình quân đạt 61 triệu đồng/năm, vượt 14% so với trước khi thực hiện Chương trình. Tính đến tháng 10/2020, có 76 chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP, vượt 190% kế hoạch. Điều này cho thấy định hướng đắn của tỉnh, là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời cho thấy sức sáng tạo, sự tích cực của Nhân dân và các tổ chức kinh tế trong phát triển, đa dạng hóa sản phẩm OCOP. Thực tế, sau khi thực hiện Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm hàng hóa trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh như miến dong, tinh bột nghệ…; một số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra các dòng sản phẩm giá trị cao như: Trịnh Năng gừng, Trịnh Năng Curcumin, Vicumax - Nano curcumin…

Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng đã chủ động vào cuộc, qua đó hỗ trợ kịp thời trong việc nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng về tiêu chuẩn kỹ thuật, hoàn thiện về bao bì sản phẩm... Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 15 sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị. 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có bao bì hoàn chỉnh, phù hợp, tiện dùng, đáp ứng các quy định của Nhà nước về nhãn hàng hóa để lưu thông trên thị trường. Các địa phương, các sở, ngành liên quan tích cực trợ lực về nguồn vốn; hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. 

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại được các sở, ngành, địa phương triển khai tích cực. Điển hình như Sở Công thương luôn chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn khuyến công; hỗ trợ các chủ thể kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm… Ngoài ra, thông qua kết nối tiêu thụ sản phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại trong và ngoài tỉnh cũng tích cực góp phần tham gia tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, đến nay sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh thực sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết số 04 của Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, việc phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP theo các nhóm như thực phẩm; đồ uống; thảo dược... không chỉ là sinh kế của người dân mà còn cho thấy sự phát huy hiệu quả lợi thế, tiềm năng và tính đặc sắc, văn hóa của mỗi địa phương trong tỉnh. Tiếp tục khẳng định việc nhận diện và phát triển sản phẩm chủ lực thông qua Chương trình OCOP là đúng đắn ở các địa phương.

 Nâng cấp sản phẩm OCOP cấp tỉnh, phấn đấu 02 sản phẩm đạt 5 sao

Phát huy thành quả đạt được, tỉnh tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện nhóm tiêu chí tăng thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương; đồng thời tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, góp phần triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP Bắc Kạn) giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện 131 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; khuyến khích các sản phẩm đã có nguồn nguyên liệu rõ ràng, ổn định tham gia OCOP, phấn đấu có thêm 70 sản phẩm mới đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 02 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia. Trong đó, tiếp tục xác định thúc đẩy triển khai các dự án thành phần trọng tâm giai đoạn trước, triển khai nội dung mới, thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Cụ thể như đối với phát triển sản phẩm, tiếp tục xây dựng, triển khai dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Trong đó sẽ tập trung phát triển vào các nhóm/sản phẩm như: Rau củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả (cam, quýt, hồng không hạt, mơ, dong riềng, bí xanh thơm, rau bồ khai, chuối…); gạo và các sản phẩm từ gạo (Japonica, Nếp Tài, Khẩu Nua Lếch…); chè và sản phẩm chế biến từ cây chè (chè trung du, chè Shan tuyết…); sản phẩm từ cây dược liệu (nghệ, gừng, cà gai leo, mướp đắng, giảo cổ lam, sả, trà hoa vàng, cát sâm, hà thủ ô, gừng đá, kim ngân, khôi nhung…); du lịch nông thôn, điểm du lịch, sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng (Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể, ATK Chợ Đồn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ…).

Khuyến khích ứng dụng triệt để các nội dung của cách mạng công nghệ lần thứ 4 (4.0), đặc biệt thực hiện các ứng dụng công nghệ của nông nghiệp, du lịch 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các sản phẩm có giá trị cao. Khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng; ứng dụng công nghệ cao với quy trình khép kín, nhằm tăng năng suất lao động và sản xuất. Ứng dụng công nghệ nhận diện thông minh đối với sản phẩm (tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc…).

Để đạt mục tiêu đề ra, cùng với chiến lược truyền thông toàn diện, xây dựng hệ thống quản lý thực hiện Chương trình OCOP,  tỉnh quan tâm phát triển, củng cố các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP; vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại… để thúc đẩy phát triển sản xuất ở các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Cân nhắc xây dựng chính sách đặc thù cho phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, huyện.

Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực từ vốn tín dụng, ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác… trong thực hiện Chương trình OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Kết nối, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành trong tổ chức và quản lý Chương trình OCOP; hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm, khoa học - công nghệ, đầu tư thương mại và kết nối thị trường. Thúc đẩy kết nối giao thương hàng hóa sản phẩm OCOP đạt sao OCOP trong hệ thống OCOP toàn cầu, tham gia sự kiện quốc tế về quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, hướng đến thương mại quốc tế. Các chủ thể OCOP nâng cao năng lực, tham gia các diễn đàn, sàn thương mại, nhóm giao thương hàng hóa quốc tế, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu./.

Anh Thúy

Xem thêm