Tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới

Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.

Tỉnh Bắc Kạn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường mầm non.
Tỉnh Bắc Kạn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường mầm non.

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm: Tiêu chí số 5 Trường học và tiêu chí số 14 Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, tích cực vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát chỉ tiêu, thực hiện kế hoạch xây dựng NTM, đặc biệt là tiêu chí Trường học. Các cấp chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi cho các trường mầm non, trang thiết bị cho các trường tiểu học và THCS. Mạng lưới trường lớp, quy mô các bậc học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và ngày càng phát triển. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, đôn đốc thực hiện kế hoạch; thực hiện nghiêm túc thủ tục, quy chế đánh giá, thẩm định xã đạt nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục.

Đồng thời, công tác truyền thông về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được ngành GD&ĐT quan tâm thực hiện, cụ thể hóa nội dung truyền thông trong kế hoạch của ngành hằng năm. Tuyên truyền thông qua các hội nghị giao ban, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong hè và đầu các năm học, hội thảo chuyên đề..., trên Cổng thông tin điện tử của ngành và các đơn vị, trường học...

Song song với đó là tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Do đó, hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang, cơ bản đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng chuyên môn góp phần phục vụ hoạt động dạy và học. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia có 99/318 trường (chiếm 31,13%). Cụ thể: 45/123 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm 36,59%; 37/79 trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 46,84%; 16/101 trường THCS, TH&THCS đạt chuẩn quốc gia, chiếm 15,84%; 01/15 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, chiếm 6,67%. Toàn tỉnh có 27/110 xã đạt tiêu chí Trường học, 84/110 xã đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo.

Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí và tiến độ xây dựng trường, lớp học. Một số trường đạt chuẩn quốc gia đã quá thời hạn công nhận lại, tuy nhiên do chưa được đầu tư kinh phí nên cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Chất lượng giáo dục của bậc học phổ thông còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; chất lượng phổ cập giáo dục của một số đơn vị chưa cao... Do điều kiện ngân sách các địa phương còn hạn hẹp nên việc ưu tiên nguồn lực cho công tác phổ cập còn hạn chế, chủ yếu còn phụ thuộc vào ngân sách của Trung ương, của tỉnh. Thiếu kinh phí để xây dựng, cải tạo nâng cấp phòng học, phòng chức năng và mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, đồng bộ theo đúng quy định...

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành và các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục. Phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu, trình UBND tỉnh duyệt đề án sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng phù hợp, từ đó định hướng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Bám sát tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục các cấp học theo quy chế, triển khai đồng bộ các giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học. Góp phần đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực giáo dục./.
 

Bích Ngọc

Xem thêm