Hướng tới kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bắc Kạn (1997 - 2022)

Bắc Kạn phát triển thương mại điện tử

Nhu cầu mua sắm và sức mua của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh hình thức kinh doanh trực tuyến, phát triển thương mại điện tử.

Giai đoạn 2015-2020, khu vực dịch vụ của Bắc Kạn tăng trưởng bình quân 6,3%/năm. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng; các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hằng năm tăng bình quân 7,72%, đến năm 2020 đạt trên 6.140 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân đạt 11,5%/năm. 

Tỉnh Bắc Kạn đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử. Nhằm thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, tỉnh đã hỗ trợ 07 đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm và giao dịch mua bán trên phạm vi rộng hơn, hiệu quả hơn với chi phí tiết kiệm hơn; hỗ trợ 06 đơn vị tham gia đề án xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng nhằm nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử và quản lý online đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng 01 website thông tin giao dịch điện tử ngành Công thương để giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, chào bán sản phẩm của tỉnh.

Bên cạnh đó, Dự án “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ 4.0 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ đã hỗ trợ 45 hợp tác xã/doanh nghiệp/tổ nhóm được tập huấn kỹ thuật về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử. Kết quả có 56 sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada....; 09 sản phẩm được ký kết tiêu thụ sản phẩm với Trung tâm thương mại Big C- Hà Nội. Năng lực hiểu biết của các tổ chức về thương mại điện tử từng bước được nâng lên hơn so với trước đây. Một số sản phẩm nông sản như: Miến dong, gạo Khẩu Nua lếch, gạo Bao thai, tinh bột nghệ, nano curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến... đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Bước đầu có sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

Sản phẩm hàng hóa của địa phương được bày bán trên Sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (bkmarket.vn).
Sản phẩm hàng hóa của địa phương được bày bán trên Sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (bkmarket.vn).

Hiện nay, các sản phẩm hàng hóa của địa phương đã được bày bán trên Sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (bkmarket.vn). Đây là kênh quảng bá, mua bán hàng hóa sản phẩm dịch vụ trực tuyến do UBND tỉnh xây dựng, phát triển và vận hành với sự đồng hành hỗ trợ của Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam. Đến nay, toàn tỉnh có 131 sản phẩm OCOP, trong đó 13 sản phẩm đã đạt chứng nhận 4 sao. Việc triển khai sàn thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng quảng bá và phân phối sản phẩm, quản lý tốt thông tin dịch vụ và giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời cung cấp thông tin kết nối các hệ thống hỗ trợ thủ tục hành chính về thuế quan, hải quan, vận tải…

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh hiện chưa được đa dạng hóa; cách thức tiếp cận thị trường qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số còn hạn chế; chưa tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Công tác xúc tiến thương mại gắn với du lịch còn hạn chế. Chất lượng một số sản phẩm hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; nhiều sản phẩm chưa đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tiếp thị, quảng bá. Sản phẩm nông, lâm sản chủ yếu của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường phân phối hiện đại và xuất khẩu.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ, thị trường phân phối sản phẩm nói riêng, trước hết là những thay đổi, biến động trong mua sắm của người tiêu dùng cũng như những yêu cầu mới của thị trường. Trong đó nhận thấy rõ sự thay đổi về về hành vi tiêu dùng của người dân và hình thức mua sắm trực tuyến cùng dịch vụ giao hàng và bán lẻ đa kênh lên ngôi. Các nền tảng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng theo đó dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu. Do vậy, trong thời gian tới, xu hướng chuyển đổi, tăng cường bán lẻ trực tuyến, bán lẻ đa kênh sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp bán lẻ hướng tới.

Nhờ sự chuyển đổi kịp thời, nhiều doanh nghiệp bán lẻ không những giữ vững được thị trường mà còn mở rộng, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn. Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bích Ngọc