Triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

Chiều 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chương trình làm việc.

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Nguyễn Văn Hùng- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.

Tham dự tại điểm cầu trực tuyến đặt tại trụ sở HĐND - UBND tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phương Thị Thanh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; cấp trưởng các ban, sở, ngành, đoàn thể, Hội cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy… Hội nghị tiếp tục được kết nối đến điểm cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; điểm cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và các xã, phường, thị trấn.

Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Chính phủ. Theo đó, quan điểm Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tập trung vào 05 điểm cơ bản: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…

Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ đề, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao; ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; có ít nhất 05 di sản được UNESCO ghi danh theo công ước của UNESCO; bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương…

Để đạt các mục tiêu, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đề ra 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa.

Hội nghị đã được nghe tham luận của các đại biểu xoay quanh các vấn đề về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; để văn hóa, văn nghệ “soi đường cho quốc dân đi”; xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Văn hoá có rất nhiều nội dung, có nhiều điểm cần phải làm liên tục. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hoá, để thực hiện được các nội dung của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, cần khơi dậy được sự vào cuộc của Đảng, toàn dân. Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề hội nhập, tiếp thu văn minh nhân loại mà không mất gốc bản sắc dân tộc; xây dựng môi trường phát triển, cổ vũ cho sự sáng tạo, cho cái mới, tôn trọng ý kiến khác, sự khác biệt miễn là không xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Chú trọng xây dựng yếu tố con người, kiên trì đổi mới giáo dục, phát huy tính nêu gương để tạo ra con người có văn hóa. Các cấp, các ngành cần có hành động cụ thể để thúc đẩy văn hoá phát triển. Đồng thời, đề cao giá trị truyền thống, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.../.

Hoàng Vũ

Xem thêm