Xây dựng Lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn thành ngành kinh tế - kỹ thuật, phát triển bền vững.

Ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết nghị về việc thành lập Bộ Canh nông, là cơ quan của Chính phủ được giao quản lý ngành Lâm chính của nước ta trong suốt thời kỳ kháng chiến kiến quốc. Ngày 01/12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69 đưa cơ quan Lâm chính trong toàn cõi Việt Nam đặt trực thuộc Bộ Canh nông và cũng trong ngày này, Bộ Canh nông đã ban hành Nghị định số 01 về tổ chức Bộ Canh nông, trong đó có quy định nhiệm vụ của Nha Lâm chính, đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự hình thành của ngành Lâm nghiệp Việt Nam.

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây” và từ đó phong trào trồng rừng phát triển sâu rộng trên cả nước. Ngày 28/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg, lấy ngày 28 tháng 11 hằng năm là  “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam”. Ngành lâm nghiệp đã trải qua 76 năm hình thành và phát triển (01/12/1945 - 01/12/2021) gắn với các giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc. Mặc dù hệ thống tổ chức quản lý ngành Lâm nghiệp có thay đổi nhưng lâm nghiệp nước ta luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một ngành lấy gỗ làm mục tiêu chính, đến nay Lâm nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường… Có được kết quả đó là nhờ đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Lâm nghiệp cả nước luôn đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và sản xuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng trưởng thành, lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; bảo tồn hệ sinh thái rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ngành Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành Lâm nghiệp cũng còn những tồn tại và thách thức như: Tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng chưa cao kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng; chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của rừng, thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp; vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ, sự vào cuộc của chính quyền địa phương có nơi còn thiếu quyết liệt, kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức; thiếu trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng…

Xây dựng Lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn thành ngành kinh tế - kỹ thuật, phát triển bền vững. ảnh 1
Kiểm lâm huyện Chợ Đồn kiểm tra cây con giống lâm nghiệp.

Ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành Lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Với thế và lực mới, cùng với sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của tất cả các địa phương trong thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung chiến lược, các nhiệm vụ, chỉ tiêu ngành Lâm nghiệp đề ra trong giai đoạn trước mắt và lâu dài sẽ xây dựng ngành Lâm nghiệp Việt Nam hiện đại, sáng tạo, phát triển hài hòa, bền vững.

Đối với tỉnh Bắc Kạn, là tỉnh có diện tích rừng lớn với nhiều tài nguyên phong phú, lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, toàn tỉnh đã giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng theo kết quả nghiệm thu là 394.482 lượt ha/406.172 lượt ha, đạt 97,12% kế hoạch. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đến hết năm 2020 là 2.369 vụ, giảm 951 vụ so với giai đoạn 2011-2015 (tương đương 29%). Công tác Phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đặc biệt trong 2 năm (2018 - 2019) không xảy ra cháy rừng, năm 2020 xảy ra 01 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại nhỏ (0,233ha rừng sản xuất). Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ĐH ngày 17/10/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trồng được 33.925ha rừng, trung bình mỗi năm trồng được 6.785/6.500ha, đạt 104% mục tiêu đề ra.

Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016- 2020 đã đạt được những kết quả trên nhiều phương diện: Về kinh tế, từ việc sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch và chú trọng đầu tư trồng, chăm sóc rừng, chế biến lâm sản và quản lý tốt diện tích rừng tự nhiên. Sản xuất lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tổng sản lượng gỗ đạt khoảng 260.000m3/năm, giá bán bình quân 800.000 đồng/m3. Như vậy tổng giá trị thu được từ khai thác lâm sản trên 200 tỷ đồng/năm. Đây cũng là nguồn thu quan trọng đối với người dân, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế lâm nghiệp, từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho người dân trong tỉnh. Về xã hội, từng bước giúp người dân cải thiện và ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức, làm thay đổi tập quán của người dân từ trước tới nay chỉ biết dựa vào rừng tự nhiên khai thác gỗ, củi phục vụ nhu cầu đời sống. Thu hút được 60% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đoàn kết dân tộc, ổn định an ninh và trật tự xã hội. Thu nhập từ sản xuất lâm nghiệp đã góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Về môi trường, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm đóng góp có hiệu quả cho rừng phòng hộ đầu nguồn, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống và tạo nguồn thu từ các dịch vụ môi trường (phí môi trường, giảm khí thải CO2, du lịch sinh thái…). Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 73,4%, so với năm 2015, độ che phủ rừng tăng 2,4% (năm 2015 là 71%). Khôi phục, phát triển rừng toàn tỉnh, nâng độ che phủ rừng hằng năm, góp phần đảm bảo an ninh về môi trường, giảm nhẹ thiên tai, điều hòa nguồn nước cho các công trình thủy lợi, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học.

Trong năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tham mưu hiệu quả cho Sở NN&PTNT, UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch, văn bản triển khai Luật Lâm nghiệp, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Lâm nghiệp, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo triển khai thực hiện kịp thời, đúng các quy định trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Tính đến 15/11/2021, lực lượng Kiểm lâm đã kiểm tra phát hiện và lập biên bản 392 vụ vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp (giảm 25 vụ so với cùng kỳ), tịch thu hơn 579m3 gỗ các loại (giảm 22m3 so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ, sản xuất;  hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn bản vùng đệm 99/99 cộng đồng. Tại 02 Khu bảo tồn đã tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng và truy quét được 1.789 lượt với 8.022 lượt người tham gia, do vậy đã bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh. Công tác phát triển rừng vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, cụ thể chỉ tiêu kế hoạch giao thực hiện trồng rừng năm 2021 là 3.570ha, trong đó diện tích thực hiện trồng cây phân tán là 400.000 cây (quy đổi 400ha); diện tích thực hiện trồng lại sau khai thác và các chương trình, dự án là 3.170ha; kết quả trồng rừng đạt hơn 5.155/3.570ha đạt 144% kế hoạch.

Để công tác Lâm nghiệp Bắc Kạn đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tăng cường thực thi các văn bản pháp luật về Lâm nghiệp thông qua việc thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tăng cường trách nhiệm, sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng như Kiểm lâm, Công an, Quân đội để quản lý chặt chẽ rừng và đất rừng, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về pháp luật về lâm nghiệp. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các chủ rừng, các ngành, các địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giám sát chặt chẽ việc trồng rừng thay thế. Quản lý tốt diện tích vùng giáp ranh giữa các chủ rừng, chính quyền địa phương các cấp. Tăng cường năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị cho lực lượng Kiểm lâm; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, quản trị và thương mại rừng cho các chủ rừng và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Rà soát, quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp thông qua điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với các quy hoạch về sử dụng đất, phát triển công nghiệp, phát triển du lịch, khai thác khoáng sản… Rà soát các hoạt động sản xuất của các đơn vị lâm nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo tính ổn định cơ cấu tỷ lệ các loại rừng theo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2021-2025. Điều chỉnh và thu hồi đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân đã được giao nhưng sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, đồng thời quản lý diện tích nương rẫy, bảo đảm duy trì diện tích canh tác ổn định cho người dân sống gần rừng.

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng thông qua nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật cho các chủ rừng; tăng cường trách nhiệm quản lý của chủ rừng và hướng tới việc chi trả, theo sự tăng trưởng của rừng và tích luỹ các - bon.

Thúc đẩy phát triển lâm nghiệp theo hướng cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất lâm - nông kết hợp có hiệu quả, phù hợp với môi trường sinh thái. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 cũng như các chương trình, đề án quan trọng của ngành.

Nâng cao giá trị gia tăng ngành Lâm nghiệp bằng cách xây dựng chính sách khuyến khích các chủ rừng liên kết theo mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh rừng trồng bền vững. Khuyến khích các hình thức liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến và các chủ rừng theo mô hình chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn. Quy hoạch vùng khai thác nguyên liệu đảm bảo độ che phủ, nâng cao năng suất và giá trị gỗ rừng trồng thông qua giảm tỷ trọng xuất khẩu gỗ dăm, tăng tỷ trọng gỗ chế biến gia dụng. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu, đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Để thực hiện các giải pháp này cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chung tay của nhiều ngành, nhiều địa phương trong tỉnh và sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt nhiệm vụ của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành Lâm nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân./.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn