Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X: Nhiều vấn đề “nóng” được thảo luận, phân tích

Phiên thảo luận tại tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, diễn ra chiều 09/12 đã thu hút nhiều ý kiến sôi nổi của các đại biểu.
 

Trăn trở về hoạt động của HTX và "sức sống" của sản phẩm OCOP

Một vấn đề “nóng”, được đại biểu thảo luận là nhiều HTX phải giải thể, sản phẩm OCOP đạt 3 sao nhưng không duy trì được bền vững và dần biến mất khỏi thị trường.

Đại biểu Dương Văn Tiến, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm.
Đại biểu Dương Văn Tuyến, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm.

Đại biểu Dương Văn Tuyến, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm cho rằng: Nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao nhưng không duy trì được, là do chúng ta chưa giải quyết tốt câu hỏi “xây dựng sản phẩm xong, đạt OCOP rồi thì làm gì tiếp theo”? Các đơn vị, địa phương chưa tạo ra liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Khi ký hợp đồng lâu dài, đòi hỏi số lượng hàng hóa lớn là các chủ thể sản xuất không đáp ứng được.

Đại biểu Trần Thị Lộc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trăn trở: Số HTX phải giải thể lớn, phải chăng được thành lập chỉ để các địa phương đủ điều kiện đạt tiêu chí nông thôn mới? Sản phẩm OCOP cũng vậy, đề ra chỉ tiêu tăng thêm sản phẩm nhưng địa phương và các chủ thể sản xuất không có hướng để làm cho các sản phẩm đó “sống” được.

Đại biểu Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.
Đại biểu Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

Về vấn đề các đại biểu nêu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Dương Văn Huấn nhận định: Khi được tư vấn, HTX nhận ra mình không đủ điều kiện, không thể tiếp tục hoạt động thì việc giải thể là cần thiết. Để khắc phục tình trạng nhiều HTX yếu kém phải giải thể, sản phẩm OCOP đạt nhưng không duy trì được, cần có những giải pháp đột phá, căn cơ. Liên minh HTX tỉnh sẽ tham mưu cho tỉnh những giải pháp phát triển bền vững hơn. Hiện nay trên 70% sản phẩm OCOP là của các HTX, nhưng sản lượng không nhiều do vùng nguyên liệu hạn chế. Thời gian tới cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo quản lý HTX. Cùng với đó là tăng cường xây dựng mô hình để nhân rộng, chú trọng liên doanh liên kết, quy hoạch và phát triển tốt vùng nguyên liệu.

Tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp

Đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tập trung thảo luận về Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023; Báo cáo số 730/BC-UBND ngày 18/11/2022 của UBND tỉnh đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022; kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu sôi nổi thảo luận tại tổ.
Đại biểu sôi nổi thảo luận tại tổ.

Đại biểu đi sâu phân tích những nội dung liên quan đến thu chi ngân sách địa phương; đặc biệt là về tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn. Đề nghị làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Cần có giải pháp để tránh tình trạng này lặp lại, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể.

Về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đạt thấp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: Năm 2022 đơn vị được giao số vốn lớn (1.300 tỷ đồng) với 10 dự án. Bên cạnh một số dự án hoàn thành và vượt thời gian, có những dự án gặp nhiều khó khăn phát sinh. Đơn cử như Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang có địa hình phức tạp, phải điều chỉnh hướng tuyến, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nơi tuyến đường đi qua phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, do vậy thời gian kéo dài. Thêm vào đó, thời gian qua xăng dầu khan hiếm, vật giá leo thang gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn tới tiến độ thi công…

Chương trình MTQG và chỉ tiêu giảm nghèo

Thảo luận về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, đại biểu cho rằng: Việc tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, trường đạt chuẩn quốc gia của nhiều địa phương còn dàn trải. Nơi cần thì không được phân bổ, nơi chưa thực sự cần thì lại được phân bổ. Việc xây dựng sân thể thao của các thôn vùng cao cần diện tích đất lớn, khó thực hiện, khó đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay một số xã đã về đích nông thôn mới nhưng không giữ được các tiêu chí đã đạt. Chỉ tiêu dân cư sử dụng nước sạch, điện lưới quốc gia không thấy nói đến giải pháp để đạt được, nhất là khi nguồn lực đầu tư các lĩnh vực này rất cao. Theo ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh: Cần phân tích rõ tại sao GDP tăng nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng tăng theo. Phần tăng GDP đó đã đi vào đời sống của người dân hay chưa?...

Đại biểu Đinh Huy Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA các công trình Nông nghiệp tỉnh.
Đại biểu Đinh Huy Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA các công trình Nông nghiệp tỉnh.

Bên cạnh những nội dung trên, tại 4 tổ thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể còn nêu nhiều ý kiến về việc đề nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân người đứng đầu khi số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tăng. Đại biểu cho rằng chỉ tiêu giao tỷ lệ hộ nghèo 4-5% là cao. Một số tiêu chí chấm điểm hộ nghèo rất cao, khó đạt. Nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường chưa đầu tư đúng mức, còn nhiều dự án chưa thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường - đặc biệt là các hoạt động sản xuất kinh doanh, chăn nuôi gây ô nhiễm, xả rác thải bừa bãi, sử dụng xung điện đánh bắt cá. Tại sao năm nào cũng đầu tư, nhưng tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh không tăng thêm?...

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường.
Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường.

Những vấn đề đại biểu đưa ra thảo luận thể hiện sự quan tâm, trăn trở để giúp tỉnh khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Những nội dung này tiếp tục được Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X làm rõ./.

Đăng Bách – Nông Vui

Xem thêm