CHUYỂN ĐỔI SỐ XÂY DỰNG XÃ THÔNG MINH: VI HƯƠNG ĐI NHANH, ĐI TRƯỚC DỄ THU HÚT NGUỒN LỰC - Bài 1

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Bắc Kạn đã chọn xã Vi Hương, huyện Bạch Thông để thử nghiệm chuyển đổi số, kết quả bước đầu khẳng định: Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực.

 

Ảnh: Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn hướng dẫn nhiệm vụ chuyển đổi số cho cán bộ, công chức xã Vi Hương.

Là một trong 7 xã trong toàn quốc được lựa chọn triển khai thí điểm chương trình chuyển đổi số xây dựng xã thông minh, trong 4 tháng của Giai đoạn 1, xã Vi Hương đã có sự tham gia đồng hành của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn; UBND huyện Bạch Thông và các doanh nghiệp như: Tập đoàn công nghệ CMC, Viettel Bắc Kạn, Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Ha Noi Telecom), Công ty cổ phần dịch vụ và giải pháp xử lý dữ liệu VBee, Viễn thông Bắc Kạn (VNPT).

Trước khi triển khai nhiệm vụ, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã tư vấn cho Đảng ủy xã xây dựng dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh của Đảng bộ. Trong Nghị quyết về chuyển đổi số xây dựng xã thông minh, Đảng bộ xã Vi Hương đặt ra mục tiêu tổng quát là thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong chính quyền xã để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn, nâng cao kỹ năng số cho người dân để mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hóa đặc trưng của xã trên môi trường số. Áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong giải quyết công việc trên một số lĩnh vực Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - An ninh; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và mỗi người dân. Nói cách khác là thực hiện đổi mới toàn diện từ tư duy, nhận thức tới cách làm của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước cũng như đổi mới nhận thức, thay đổi thói quen cũ, cách làm cũ của mỗi người dân, doanh nghiệp, HTX trong xã trong thực hiện các công việc hàng ngày theo một cách làm hoàn toàn mới.

Thực hiện các mục tiêu Nghị quyết chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh xã Vi Hương đã được nhiều cấp, nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ như:

 UBND huyện Bạch Thông đã xây dựng và bàn giao, lắp đặt mạng nội bộ LAN tại trụ sở mới của xã;

Viettell Bắc Kạn hỗ trợ lắp đặt hệ thống Wifi công cộng phủ sóng tại khu vực trung tâm và điểm Bưu điện văn hóa xã, miễn phí phục vụ tối đa 50 người dùng đồng thời, lắp đặt thêm 01 trạm 4G cosite phủ sóng cho toàn bộ địa bàn xã, chuyển giao hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Telehealth cho Trạm Y tế xã; hỗ trợ và chuyển giao phần mềm Shopone cho HTX Thiên An để quản lý bán hàng trên môi trường mạng.

Công ty Cổ phần dịch vụ và giải pháp xử lý dữ liệu Vbee chuyển giao nền tảng text-2-speech để thông minh hóa Đài truyền thanh xã.

Tập đoàn công nghệ CMC hỗ trợ HTX Thiên An kết nối với nền tảng Agriconnect triển khai đưa các sản phẩm của HTX lên sàn thương mại điện tử PostMart, Shoppee, Voso, Lazada, Tiki… đa dạng hóa các kênh cung ứng sản phẩm trên thị trường; tập huấn, lập tài khoản và xây dựng nội dung, group review các sản phẩm của Thiên An trên các mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Zalo, Youtube… Triển khai tập huấn, hướng dẫn sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc trên nền công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trên thiết bị di động và hỗ trợ miễn phí 9.000 tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code; Hanoi Telecom hỗ trợ 03 bộ máy tính cho UBND xã; VNPT Bắc Kạn hỗ trợ 01 máy tính cho HTX Thiên An.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã tập huấn lại việc sử dụng các phần mềm dùng chung, chữ ký số, kỹ năng cung cấp thông tin trên trang TTĐT xã, giúp lập các Group trên nền tảng zalo để cấp ủy, chính quyền xã tương tác với nhau và với người dân.

Tổng nguồn lực các đơn vị, doanh nghiệp đã hỗ trợ cho xã Vi Hương là trên 500 triệu đồng, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong các nguồn lực mà xã Vi Hương đã nhận được, nguồn lực đáng quý và khó có nhất, nếu không phải là xã thí điểm thực hiện chuyển đổi số chính là sự hỗ trợ trực tiếp của chuyên gia trong triển khai thực hiện. Trong 4 tháng triển khai thí điểm giai đoạn 1, Cục Tin học hóa đã cử 05 chuyến công tác thực tế tại xã với 25 lượt chuyên gia của Cục và 30 lượt chuyên gia của các Doanh nghiệp về xã Vi Hương và thường xuyên làm việc Online để giúp xã xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng các điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương. Từ đó, xây dựng được các nội dung cần triển khai có tính sát thực và tổ chức tập huấn, hướng dẫn đào tạo cho Chính quyền, hợp tác xã và người dân phù hợp với điều kiện trên địa bàn xã. Riêng Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn, các cán bộ, công chức, viên chức của phòng Công nghệ thông tin và Trung tâm CNTTTT đã thực sự kề vai sát cánh cùng xã theo phương châm “cầm tay, chỉ việc” từng nội dung nhiệm vụ với khoảng 20 lượt đi về và thường xuyên trao đổi, hướng dẫn Online qua nhóm.

Với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, nên tuy triển khai trong gian tương đối ngắn nhưng các nội dung thuộc nhiệm vụ chuyển đổi số xây dựng xã thông minh tại xã Vi Hương trong giai đoạn 1 đã được triển khai nhanh chóng, quyết liệt. Các nội dung triển khai đã bước đầu cho thấy được hiệu quả nhất định. Người dân dần có thói quen và tích cực tham gia tương tác trên môi trường số. Sản phẩm của địa phương đã được nhiều người trong cả nước biết đến, số lượng hàng hóa bán ra đã tăng đáng kể, tạo điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên của Hợp tác xã./.

(Còn tiếp)

Hải Tiến - Ngân Huyền - Nhân Huấn

Xem thêm