Bắc Kạn thúc đẩy mạnh mẽ, hành động cụ thể về chuyển đổi số

Năm 2022, Bắc Kạn xác định là năm hành động, thúc đẩy mạnh mẽ, hành động cụ thể về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cần chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra về chuyển đổi số.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song công tác chuyển đổi số năm 2021 và quý I/2022 đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai và đạt những kết quả: Hạ tầng mạng viễn thông đã kết nối thông suốt 3 cấp, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện nay của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được mở rộng và đảm bảo thông suốt từ tỉnh đến huyện và 108 xã, phường, thị trấn.

Tỉnh tiếp tục duy trì sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ; đồng thời kết nối thành công đến cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và tích hợp dịch vụ công của tỉnh lên hệ thống thanh toán trực tuyến Paygov của Bộ Thông tin và Truyền thông. Về phát triển dữ liệu, tỉnh đã triển khai xây dựng mới 03 hệ thống CSDL, gồm CSDL về đa dạng sinh học, CSDL về văn bằng chứng chỉ, CSDL về du lịch. Đồng thời tiếp tục duy trì, cập nhật dữ liệu cho các CSDL đã triển khai.

Đặc biệt, từ tháng 1/2022, tỉnh triển khai dùng thử phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT – iOffice ở cả 3 cấp. Bước đầu đã tạo 83 site, tương ứng 68 đơn vị; khởi tạo 12.048 tài khoản người dùng trên toàn tỉnh. Sau 2 tháng sử dụng đã có 945.173 lượt truy cập trên hệ thống. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, đến nay tỉnh có 1.247 DVCTT mức độ 4, chiếm 69% và 70 DVCTT mức độ 3. Năm 2021, tỉnh đã tích hợp 935 thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 67,7% tổng số DVCTT mức độ 3, 4 của tỉnh...  

Kết quả trên đã góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng CNTT như dạy học trực tuyến, giải quyết TTHC qua DVCTT… đã đảm bảo duy trì hoạt động ổn định của các cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.

Tuy vậy, hạ tầng kỹ thuật của tỉnh cơ bản chưa hoàn thiện; việc ứng dụng CNTT, hiện đại hóa hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tỉnh chưa có nhiều các ứng dụng công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, kết nối vạn vật (IoT)… trong xây dựng các hệ thống thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số của tỉnh; chưa hoàn thiện các hệ thống thông tin, CSDL, kết nối và chia sẻ, đối soát dữ liệu giữa các ngành.

Mô hình tủ báo điện tử thông minh tại xã Dương Phong (Bạch Thông).
Mô hình "Tủ báo điện tử thông minh" tại xã Dương Phong (Bạch Thông).

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số của tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn xác định rõ năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ, hành động cụ thể về chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, với chính quyền số, tiếp tục hoàn thiện các hệ thống hiện có; thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hệ thống đã triển khai; tiếp tục triển khai trong năm 2022 các hệ thống, CSDL trọng tâm mang lại hiệu quả cao, có giá trị lan tỏa lớn. Với kinh tế số, tập trung nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn về chuyển đổi số; lựa chọn một số doanh nghiệp phù hợp để tư vấn và đồng hành triển khai các giải pháp chuyển đổi số thiết thực. Với xã hội số, tập trung nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân.

Do vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là đội ngũ lãnh đạo và đặc biệt là người đứng đầu phải chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra về chuyển đổi số. Trước hết là đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm trong triển khai; căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động đề ra các giải pháp, việc làm cụ thể để góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Triển khai số hóa dữ liệu, thông tin thuộc ngành, địa phương quản lý; chủ động đầu tư, nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương hướng tới chuyển đổi số đồng bộ trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.../.

Anh Thúy

Xem thêm