Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa

Sau 3 năm triển khai, Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” đã xây dựng thành công 25ha mô hình canh tác theo phương pháp VietGAP, hữu cơ; 12ha trồng giống chè mới chất lượng cao tại các huyện Chợ Mới, Ba Bể, góp phần nâng cao giá trị cây chè địa phương, xây dựng thương hiệu, tạo sản phẩm chè đặc sản có giá trị hàng hóa cao.

Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP tại xã Như Cố (Chợ Mới) cho sản lượng búp trung bình đạt 3,5 tấn/ha.
Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP tại xã Như Cố (Chợ Mới) cho sản lượng búp trung bình đạt 3,5 tấn/ha.

Nhằm phát huy lợi thế và nâng cao giá trị cây chè tại địa phương thông qua xây dựng các mô hình sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn”. Dự án thực hiện từ năm 2019, với mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm phục vụ phát triển sản xuất chè hàng hóa tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới.

Đến nay, Dự án đã xây dựng thành công 20ha mô hình chè thâm canh theo hướng VietGAP. Trong đó, 10ha mô hình thực hiện tại xã Mỹ Phương (Ba Bể) với 17 hộ tham gia, tập trung ở các thôn Pùng Chằm 8,4ha, Bjooc Ve 1,6ha; 10ha thực hiện tại xã Như Cố (Chợ Mới), tập trung ở các thôn Nà Roòng, Nà Tào, Nà Chào, Khuân Bang, Khuổi Chủ, Khuổi Hóp, Nà Luống, với 54 hộ tham gia. Trong quá trình triển khai, các cán bộ kỹ thuật của cơ quan chủ trì dự án đã hướng dẫn các hộ tham gia về kỹ thuật thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm các kỹ thuật về bón phân, đốn, hái tạo hình chè vụ xuân, nhận diện và phòng trừ các loại sâu bệnh hại chè, vệ sinh đồng ruộng.

Bên cạnh đó, các hộ tham gia còn được hướng dẫn ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất chè theo hướng VietGAP. Kết quả triển khai mô hình VietGAP cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tán đều, rộng, búp dày, chất lượng nguyên liệu búp đảm bảo phục vụ cho chế biến các sản phẩm chè xanh của dự án. Cụ thể, mô hình 10ha thâm canh chè theo hướng VietGAP tại xã Như Cố đã cho mật độ búp cao khoảng 400 búp/m2, sản lượng búp chè đạt trung bình 3,5 tấn/ha. Tại xã Mỹ Phương, theo đánh giá vụ chè xuân 2021, mật độ búp đạt khoảng 380-400 búp/m2, cao hơn so vụ xuân 2020; sản lượng chè (5 tháng đầu năm 2021) đạt 1,9 tấn/ha, tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với xây dựng mô hình chè thâm canh theo hướng hữu cơ, Dự án đang thực hiện thâm canh 5ha theo hướng hữu cơ tại xã Mỹ Phương; trong đó 2,1ha ở thôn Bjooc Ve (3 hộ tham gia) và 2,9ha ở thôn Pùng Chằm (5 hộ tham gia). Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về sản xuất chè hữu cơ như: Chặt tỉa, đốn cải tạo cuối năm, hái tạo tán, bón phân vi sinh… nên cây chè sinh trưởng phát triển tốt; dần cải thiện tán chè, năng suất tăng theo từng lứa hái. Việc sử dụng phân vi sinh chuyên dụng giúp cải tạo đất, từ đó cây chè sinh trưởng tốt hơn, có tán rộng hơn, búp tăng, lá chè dày và bóng, năng suất tăng 15% so với đối chứng. Ngoài ra, sâu bệnh ít gây hại cho chè; mật độ búp vụ chè xuân đạt hơn 300 búp/m2, tăng 15-20%; trong lứa chè vụ gần đây, năng suất đã tăng hơn 20% so với sản xuất đại trà.

Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP, hữu cơ tại xã Mỹ Phương (Ba Bể) cho năng suất tăng từ 10-20% so với sản xuất đại trà.
Tại xã Mỹ Phương (Ba Bể), mô hình cho năng suất tăng từ 10-20% so với sản xuất đại trà.

Bên cạnh đó, Dự án triển khai xây dựng mô hình 12ha trồng chè giống mới chất lượng cao tại các xã Mỹ Phương (Ba Bể), Quảng Chu (Chợ Mới). Trong đó, tại Pùng Chằm, xã Mỹ Phương, Dự án thực hiện 5ha mô hình trồng chè giống mới chất lượng cao theo hướng VietGAP, với 8 hộ tham gia; 2ha trồng chè giống mới chất lượng cao theo hướng hữu cơ, với 3 hộ tham gia. Tại xã Quảng Chu, Dự án triển khai 5,2ha mô hình trồng giống chè mới chất lượng cao theo hướng VietGAP; trong đó thôn Cửa Khe 2,2ha với 9 hộ tham gia, Nà Choong 1,35ha với 4 hộ tham gia và thôn Làng Chẽ 1,45ha với 5 hộ tham gia. Qua kết quả theo dõi mô hình cho thấy, các diện tích mô hình trồng mới chè có tỉ lệ sống cao, đạt trên 95%, cây chè sinh trưởng tốt, số cành cấp 1,2,3 nhiều đạt từ 8-10-30 cành/cây, mở tán rộng, đều và ít sâu bệnh. Cùng với đó, nhờ thực hiện tốt các biện pháp đốn, tạo hình, chăm sóc… cây chè hiện sinh trưởng phát triển tốt và bước đầu cho thu hái búp.

Đối với hạng mục xây dựng mô hình chế biến 3 sản phẩm mới, cơ quan chủ trì đã triển khai chuyển giao các quy trình chế biến sản phẩm chè đặc sản của dự án (các quy trình về chế biến chè xanh thơm, chè sợi, chè Ngân kim) cho 2 hợp tác xã tham gia (HTX chè Mỹ Phương, Ba Bể), (HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, Chợ Mới). Đến nay, các thành viên của 02 hợp tác xã đã tiếp nhận thành công các quy trình chế biến, từng bước làm chủ quy trình công nghệ chế biến chè xanh của dự án. Tổng sản phẩm chè chế biến thử từ khi thực hiện dự án tính đến tháng 5/2021 đạt 450kg, trong đó có 225kg chè xanh thơm, 75kg chè Ngân kim và 150kg chè sợi. Qua đánh giá, các sản phẩm chè chế biến thử từ các quy trình đều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN 3218-2012. Hiện, các quy trình tiếp tục được 02 hợp tác xã ứng dụng sản xuất, chế biến, tạo sản phẩm chè đặc sản có giá trị hàng hóa cao. Cơ quan chủ trì dự án tiếp tục phối hợp thực hiện các hạng mục, nội dung liên quan, như hỗ trợ thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và quảng bá các sản phẩm chè của dự án...

Theo kế hoạch, Dự án sẽ kết thúc vào tháng 12/2021. Từ kết quả đạt được của Dự án sẽ góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất chè; đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm, nâng vị thế sản phẩm chè địa phương trên thị trường, phù hợp xu thế sản xuất bền vững trong thời gian tới./.

A.T

Xem thêm