Chợ Mới chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, huyện Chợ Mới đã chú trọng ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi lâu dài, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Chợ Mới chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ảnh 1
Hằng năm, có trên 85% diện tích lúa tại huyện Chợ Mới được sử dụng cơ giới để thu hoạch.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về khoa học và công nghệ là “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn”. Trên cơ sở đó, huyện Chợ Mới đã chủ động bám sát nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương, kiên trì thực hiện mục tiêu lấy nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, coi đó một trong những là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, những năm qua việc áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng được người dân áp dụng, mở rộng. Các loại máy móc thiết bị được sử dụng nhiều trong sản xuất bao gồm: Máy cày, máy kéo, máy tuốt lúa,... Đến nay, khoảng 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp hằng năm đã được cơ giới hóa; trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, tỷ lệ cơ giới hóa chiếm 55% sử dụng các loại máy phun thuốc bảo vệ thực vật; trong thu hoạch chiếm trên 85% diện tích lúa sử dụng máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp. Trong sản xuất lâm nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa được thực hiện trong khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ; các loại máy móc, thiết bị được sử dụng như: Máy cưa, máy xẻ, máy phay, bào… Hiện nay, toàn huyện có khoảng 8.000 máy móc, trang thiết bị sử dụng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Ngoài việc cơ giới hóa vào sản xuất, huyện đã chỉ đạo thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay đã có 03 hợp tác xã được Nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng nhà lưới trong sản xuất và chế biến nông sản gồm nhiều loại rau, quả…; có 21,6ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và an toàn thực phẩm; áp dụng sản xuất lúa theo SRI…

Việc đào tạo, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn được chú trọng. Hằng năm huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều ngành nghề gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, giúp người dân được tiếp cận thường xuyên với kiến thức tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào lao động sản xuất tại địa phương. Trong 13 năm qua, huyện đã mở được 147 lớp đào tạo nghề với tổng số 5.672 người tham gia, trong đó chủ yếu là nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; trung bình số lao động được giải quyết việc làm hằng năm khoảng 500 người, đào tạo nghề cho khoảng 600 người...

Bên cạnh đó, huyện Chợ Mới còn chú trọng đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 54 HTX. Các HTX này đã định hướng lựa chọn các cây trồng có giá trị kinh tế cao để sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm để cung cấp ra thị trường, góp phần tích cực trong tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tạo sự gắn kết trong lao động phát triển sản xuất thành hàng hóa, nâng cao chất lượng và sản lượng nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 30 sản phẩm phẩm OCOP, trong đó có 19 sản phẩm của các tổ chức thường xuyên đầu tư nâng cấp và cung cấp nông sản an toàn được các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký bao tiêu sản phẩm. Có trên 60 cơ sở tham gia vào hoạt động chế biến lâm sản, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương. Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đã phát triển ngày càng đa dạng về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Các dịch vụ kinh doanh về vật tư nông nghiệp, chế biến nông lâm sản được quản lý chặt chẽ, được tham dự các lớp tập huấn và cấp giấy xác nhận về kiến thức ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chấp hành theo đúng quy định về thủ tục, hồ sơ kinh doanh.

Việc ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Mới được xem là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng và giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên việc chuyển giao tiến bộ KHCN trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế; nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chậm đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Do đó thời gian tới, huyện Chợ Mới sẽ đẩy mạnh ứng dụng KHCN, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao; thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn./.

Lý Dũng

Xem thêm