[Trực tiếp] Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số

Sáng nay (22/11), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với thanh niên về chủ đề "Thanh niên tỉnh Bắc Kạn với chuyển đổi số”. Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Báo Bắc Kạn tường thuật trực tiếp sự kiện này, kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

11h40': Hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên bế mạc, thành công tốt đẹp. Nhiều ý kiến của đại biểu thanh niên toàn tỉnh đã được nêu và giải đáp, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên...

Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tặng 06 phần quà cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Viettel Bắc Kạn tặng 05 suất quà hỗ trợ 05 hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số.
Viettel Bắc Kạn tặng 05 suất quà hỗ trợ 05 hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số.

11h35': Phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình cho biết, Hội nghị đã nhận và trả lời trực tiếp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, phong phú, xác đáng và thiết thực của thanh niên.

Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của thanh niên tập trung vào nhóm vấn đề về chính sách hỗ trợ, đào tạo, tập huấn, việc làm cho thanh niên về cho chuyển đổi số, kinh tế số; các giải pháp nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, viễn thông, phát triển các sàn thương mại điện tử; áp dụng ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển, quảng bá du lịch tại Bắc Kạn; vai trò của thanh niên về chuyển đổi số…

Trong thời gian tới, để tiếp tục mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ thanh niên cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của thanh niên, từ đó nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, dự án, đề án phát triển thanh niên trong giai đoạn mới; cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tổ chức Đoàn cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức, phương tiện để thanh niên hiểu sâu sắc về chủ trương, đường lối của Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Tỉnh đoàn Bắc Kạn làm tốt công tác định hướng triển khai các hoạt động cho thanh niên của tỉnh như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin, chuyển đổi số, năng lực số cho thanh niên...; các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng ở các xã, thôn còn lại; bồi dưỡng, tập huấn hoạt động chuyên môn cho các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đoàn viên, thanh niên hãy nắm bắt xu hướng thời đại, chủ động nghiên cứu vào việc đa dạng kênh bán hàng trên các nền tảng công nghệ mới, đa dạng thêm nhiều sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong công tác và sản xuất; chú trọng hơn nữa việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm; xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu trên môi trường mạng. Tỉnh mong rằng trong thời gian tới, sẽ có thật nhiều tấm gương thanh niên thành công trong chuyển đổi số, góp phần phát phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà…

Nhiều câu hỏi của ĐVTN trong khuôn khổ chương trình chưa trả lời hết, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành sẽ trả lời bằng văn bản.

11h18': Đại diện đoàn viên thanh niên tại điểm cầu huyện Pác Nặm hỏi: Hiện nay tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt là ở những nơi vùng sâu vùng xa, bà con mới tiếp cận với công nghệ số rất dễ bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh cắp thông tin người dùng. Vậy tỉnh ta đã có những cơ chế, chính sách, giải pháp nào để bảo vệ người dùng?

Công an
Đại diện Công an tỉnh khuyến cáo các biện pháp phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Đại diện Công an tỉnh trả lời: Người dân cần tự nâng cao hiểu biết để phòng, tránh tội phạm sử dụng công nghệ cao. Lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền phòng ngừa với việc đấu tranh triệt phá tội phạm trong lĩnh vực này.

Để đảm bảo an ninh mạng, mỗi tổ chức, cá nhân đều phải chấp hành tốt Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng. Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện một số biện pháp như: Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước về mức độ quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; bố trí cán bộ, bộ phận chuyên trách CNTT nhằm đánh giá tổng thể mức độ an toàn thông tin mạng, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố, lỗ hổng, ngăn chặn, bóc gỡ mã độc tấn công vào hệ thống mạng...

Đối với cá nhân, những năm gần đây, những vụ tấn công mạng nhằm vào tài khoản email và các dịch vụ email ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thông qua việc đột nhập vào tài khoản email, các hacker có thể nhanh chóng khai thác thông tin cá nhân từ tên tuổi, mạng xã hội cho đến tài khoản ngân hàng. Để tránh được những nguy cơ đánh cắp thông tin và tấn công vào tài khoản email của mình, người dùng cần đặt mật khẩu dài và khó đoán bao gồm cả số và chữ, kí hiệu đặc biệt; không nhấn vào các đường link lạ, file đính kèm đáng ngờ, thư rác hay các email được nhắn từ các tài khoản không có tên miền cụ thể; hạn chế sử dụng wifi công cộng để đăng nhập vào các tài khoản cá nhân; không cung cấp thông tin tài khoản cá nhân cho người khác...

11h00': Đại diện đoàn viên thanh niên Công an tỉnh đặt câu hỏi: Hiện nay, tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên được kỳ vọng là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số. Vậy, tổ chức Đoàn cần những yếu tố, điều kiện gì để tham gia chuyển đổi số thành công.

Đại biểu điểm cầu xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn đặt câu hỏi: Thời cơ, thách thức của chuyển đổi số đối với đoàn viên thanh niên là gì? Đoàn viên thanh niên cần chuẩn bị những gì để đáp ứng với chuyển đổi số?

Bí thư TĐ
Bí thư Tỉnh đoàn Triệu Tiến Trình giải đáp câu hỏi của ĐVTN.

Đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn Triệu Tiến Trình trả lời: Trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số, để thành công, các cấp bộ đoàn cần nhận thức đầy đủ và tập trung giải quyết một số vấn đề, đó là: Cần có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số, đặc biệt là các đồng chí cán bộ đoàn chủ chốt, đây là điều kiện tiên quyết. Việc tiếp cận và tiếp thu chuyển đổi số cần có con người số, công dân số mà thanh niên là lực lượng dễ tiếp cận, tiếp thu nhất, là nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với điều kiện mới, luôn khao khát được đóng góp, cống hiến, từ đó truyền cảm hứng, nhận thức và quyết tâm thay đổi tới cán bộ, ĐVTN, người dân.

Xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể, xác định công việc hiện tại và mục đích cần hướng tới bao gồm xác định mục tiêu, mô hình hoạt động trong môi trường số, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với từng giai đoạn và nội dung cụ thể. Xác định được công nghệ số chủ yếu cũng như các nền tảng số cần có trong từng lĩnh vực hoạt động để hỗ trợ việc chuyển đổi số. Hiện nay tổ chức Đoàn đang triển khai rộng khắp việc cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên qua ứng dụng "Thanh niên Việt Nam", từ đó xây dựng năng lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thực hiện chuyển đổi số. Tổ chức Đoàn các cấp cần tiên phong, gương mẫu, phấn đấu là hạt nhân tổ chức các mô hình chuyển đổi số tại các đơn vị, địa phương.

Như chúng ta đã biết Chuyển đổi số có thể giúp xóa bỏ đi khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng, hiệu quả của cuộc sống. Chuyển đổi số giúp kết nối gần hơn giữa người dân và chính quyền, khách hàng và doanh nghiệp; khả năng làm việc của con người tăng lên đáng kể và không còn bị ràng buộc bởi vấn đề không gian, giúp tiết kiệm thời gian khi mọi người có thể kết nối nhau một cách thuận lợi hơn. Chuyển đổi số giúp phát triển kênh phân phối hàng hóa, phát triển các mô hình tinh tế của thanh niên…

Thách thức lớn nhất trong Chuyển đổi số là nhận thức đúng, hiện vẫn còn không ít người chưa có nhận thức được đúng đắn và đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động này. Điều này dẫn đến sự hời hợt trong việc tổ chức triển khai. Đối với thách thức về an ninh mạng và bảo mật thông tin, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là yếu tố xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.

Để đáp ứng yêu cầu CĐS thì đoàn viên thanh niên cần thay đổi nhận thức, thói quen; tham gia vào các nội dung của CĐS như xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số…

10h35': Sở TT&TT hướng dẫn đăng ký, sử dụng tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia; Viettel Bắc Kạn hướng dẫn sử dụng dịch vụ Viettel Money - giải pháp thanh toán trên nền tảng số; VNPT giới thiệu về giải pháp ứng dụng công dân số.

10h20': Sau ít phút giải lao, các điểm cầu sôi động tham gia trò chơi ngắn, đố vui liên quan đến chủ đề chuyển đổi số...

ĐVTN tham gia trò chơi chủ đề chuyển đổi số.
ĐVTN tham gia trò chơi chủ đề chuyển đổi số.
Đoàn viên
Nhiều ý kiến, thắc mắc của đoàn viên thanh niên được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành giải đáp.

9h55': Đại biểu các điểm cầu Pác Nặm, Bạch Thông, Chợ Đồn đặt câu hỏi về phổ cập mạng internet (sóng 2G, 3G, 4G), an toàn thông tin, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá du lịch.

Trả lời câu hỏi về lĩnh vực này, đồng chí Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho hay: Việc phủ sóng 3G cho các vùng lõm sẽ tiếp tục được Sở tham mưu cho tỉnh và phối hợp với doanh nghiệp viễn thông thực hiện trong thời gian tới.

Về việc ứng dụng CNTT vào việc quản lý, phát huy di tích phát huy di sản văn hóa các dân tộc... lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho biết: Sở đã và đang tổ chức xây dựng các mô hình CLB, tập hợp người dân yêu thích các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc trong tỉnh...

9h48': Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: "Tỉnh tiếp tục đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch".

Để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào quảng bá du lịch của tỉnh Bắc Kạn, hiện nay Sở VH - TT&DL đã triển khai, thực hiện công tác quản lý, duy trì và vận hành “Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Kạn” nhằm giới thiệu, quảng bá về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, ẩm thực, cơ sở lưu trú du lịch… trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc tổ chức các cuộc thi, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch. Tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo nhân lực phục vụ phát triển du lịch. Đồng chí đề nghị ĐVTN tiếp tục quan tâm, "nuôi sống" cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Kạn bằng những việc làm thiết thực.

ĐVTN Công an tỉnh tham gia Hội nghị.
ĐVTN Công an tỉnh tham gia Hội nghị.

9h33': Đồng chí Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: "Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh khắc phục được vùng “lõm sóng” trên địa bàn, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa".

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay có hai nhà mạng lớn là VNPT và Viettel đã đầu tư hạ tầng di động băng thông rộng đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định; 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động, 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập internet cố định. Hạ tầng viễn thông phát triển rộng khắp với 6.586km cáp quang và 672 trạm thu phát sóng di động (BTS) bao gồm cả 2G, 3G, 4G.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn vẫn còn nhiều điểm “lõm sóng” so với quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động và nhu cầu sử dụng sóng di động phục vụ đời sống, sản xuất của người dân cũng như yêu cầu mở rộng mạng lưới phủ sóng viễn thông của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Sở TT&TT đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc cần thiết xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông để người dân hiểu rõ, chấp thuận việc lắp đặt trạm BTS tại khu vực dân cư sinh sống và bố trí nguồn kinh phí để phát triển hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Với cách làm đồng bộ trên có thể đạt mục tiêu đến hết năm 2025 toàn tỉnh khắc phục được vùng “lõm sóng” trên địa bàn, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Kạn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 90% hộ gia đình có một đường băng thông rộng cáp quang, thúc đẩy phát triển xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đối với việc đảm bảo an toàn thông tin, giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi kết nối thiết bị số, lãnh đạo Sở TT&TT cho biết:

Hiện nay UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, thể chế quy định về đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số. Để đảm bảo ATTT trong chuyển đổi số, mỗi người dân tự có ý thức bảo vệ mình trong môi trường số như bảo vệ mình trong môi trường thực, bảo vệ tài sản vô hình của mình, chẳng hạn thông tin cá nhân, như bảo vệ tài sản hữu hình khác. Cần hiểu rõ các ứng dụng mà mình đã cài trên điện thoại thông minh của mình, chỉ cài đặt ứng dụng từ các kho chính thức, với iPhone là Apple Store và với các điện thoại dùng Android là Google Play Store. Hạn chế tối đa việc cài các ứng dụng trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Mỗi đoàn viên, thanh niên cần tích cực hướng dẫn người già và trẻ em về kỹ năng an toàn thông tin. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết. Việc hướng dẫn, chia sẻ với mọi người kỹ năng số là giúp cho chính mình có một thế giới số an toàn, lành mạnh và tốt đẹp hơn.

9h25': Đại biểu các điểm cầu tham gia đặt câu hỏi:

Đại biểu huyện Na Rì hỏi: Lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, có giải pháp để phủ sóng 4G, mạng internet ổn định đến các địa phương còn khó khăn để đoàn viên thanh niên, bà con Nhân dân cải thiện cuộc sống? Dự kiến đến năm bao nhiêu có thể phổ cập mạng internet trong toàn tỉnh?.

Đại biểu xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể hỏi: UBND tỉnh có những biện pháp cụ thể nào để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào quảng bá, phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu huyện Ngân Sơn hỏi: Vấn đề an toàn thông tin trên không gian mạng trở nên ngày càng phức tạp; nguy cơ, rủi ro tăng cao do xu thế kết nối số và sự phổ cập của thiết bị công nghệ số. Vậy để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thì tỉnh sẽ có những giải pháp nào?

9h15': Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết: "Tỉnh rất mong ĐVTN chủ động hơn, tích cực hơn trong việc tham gia chuyển đổi số. Nhu cầu việc làm cho người có chuyên môn về công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiện rất lớn".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng tham gia trả lời câu hỏi của ĐVTN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng tham gia trả lời câu hỏi của ĐVTN.

Các mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích. Muốn hưởng các chính sách hỗ trợ, đoàn viên thanh niên đề đạt với tổ chức Đoàn, để tổ chức Đoàn liên hệ tới các cấp, ngành liên quan giải quyết.

Chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn cho xã hội, tạo ra nhiều tiện ích cho cuộc sống. Lãnh đạo tỉnh rất mong ĐVTN chủ động hơn, tích cực hơn trong việc tham gia chuyển đổi số. Nhu cầu việc làm đối với thanh niên có chuyên môn về công nghệ thông tin, chuyển đổi số là rất lớn. Bên cạnh nhu cầu của các đơn vị khối nhà nước, còn có nhu cầu lớn của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Đoàn viên thanh niên dự buổi đối thoại.
Đoàn viên thanh niên dự buổi đối thoại.

9h05': Đồng chí Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: "Chuyển đổi số sẽ không tạo ra thất nghiệp, cả khi mà chuyển đổi số, máy móc thay thế con người".

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số.

Ví dụ: Đối với doanh nghiệp thì chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại. Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao...

Vì vậy chuyển đổi số không tạo ra thất nghiệp mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới; đồng thời giúp cho người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng trong xã hội.

8h56': Đồng chí Vũ Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ trả lời: "Việc tuyển dụng công chức, viên chức phải được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh để đảm bảo tuyển dụng được người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và thực tài."

Hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều có kế hoạch tuyển dụng công chức khối các cơ quan Đảng, công chức hành chính, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tuyển dụng viên chức, công chức cấp xã để bổ sung số người làm việc còn thiếu. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện Kế hoạch tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2022 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. 

Kế hoạch tuyển dụng đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của huyện, thành phố, đảm bảo thông tin đầy đủ tới toàn bộ Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Quy định pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức phải được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh để đảm bảo tuyển dụng được người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và thực tài.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm tổ chức các hoạt động: Sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và ngày hội tuyển dụng… Qua đó, tạo thuận lợi cho các học sinh, sinh viên tìm kiếm công việc phù hợp, mở ra cơ hội cho những người lao động có nhu cầu tìm công việc mới và nhằm kết nối và rút ngắn khoảng cách giữa người lao động và doanh nghiệp trong tìm kiếm việc làm và tuyển chọn lực lượng lao động có năng lực, tác phong và thái độ đáp ứng yêu cầu.

Do vậy, đội ngũ thanh niên trí thức của tỉnh cần phát huy tinh thần chủ động, xung kích, sáng tạo để tham gia vào các lĩnh vực nghề nghiệp khác mà xã hội có nhu cầu, nhằm phát huy những sở trường, kiến thức đã được đào tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương.

8h50': Đồng chí Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết:

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ cho HTX được quy định tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Ngoài ra, hằng năm Sở Công thương triển khai các hoạt động hỗ trợ HTX nâng cao năng lực về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ; tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ xây dựng website; hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử uy tín trong nước, sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn; Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các HTX tham gia Cổng thông tin tiêu thụ sản phẩm HTX - Liên minh HTX Việt Nam (HTX có nhu cầu hỗ trợ liên hệ với các đơn vị trên). Tuy nhiên chưa có chính sách cụ thể về hỗ trợ chuyển đổi số cho HTX.

8h42': Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời:

Lãnh đạo sở KHĐT
Lãnh đạo Sở KHĐT trả lời câu hỏi của đại biểu.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành cơ chế, chính sách, đề án nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cụ thể: Quyết định số 2344/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nội dung kế hoạch gồm công tác thông tin, tuyên truyền và các hoạt động thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Kế hoạch số 269/KH-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Đối với nhiệm vụ chuyển đổi số, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước bao gồm: Nông nghiệp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Giáo dục; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông vận tải; Công thương, qua đó tạo nền tảng, động lực lớn khuyến khích các tổ chức, cá nhân, trong đó có lực lượng thanh niên là lực lượng đi đầu trong việc tham gia ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, giải pháp công nghệ mới để đầu tư, kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm và quy mô, phạm vi thị trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững...

Tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ đối với các HTX. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các HTX gặp khó khăn về tài sản đảm bảo. Liên minh HTX tỉnh đang trình tỉnh phương án nâng Quỹ hỗ trợ HTX, tạo điều kiện nguồn vốn cho các HTX phát triển sản xuất kinh doanh.

8h34': Đại biểu nêu câu hỏi:

Chị Ngô Thị Thanh Tâm, Giám đốc HTX Bản Luông (TP. Bắc Kạn) hỏi: Tỉnh Bắc Kạn đã có những chính sách cụ thể gì để hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp và những bạn trẻ muốn ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh?

Chị Ngô Thị Thanh Tâm, Giám đốc HTX Bản Luông (TP. Bắc Kạn) nêu câu hỏi.
Chị Ngô Thị Thanh Tâm, Giám đốc HTX Bản Luông (TP. Bắc Kạn) nêu câu hỏi.

Chị Cao Bảo Ngọc, đại diện thanh niên Đoàn Trường THPT Chuyên Bắc Kạn đặt câu hỏi: Là học sinh chúng em rất quan tâm đến việc lựa chọn các ngành nghề thuộc lĩnh vực chuyển đổi số. Nhưng chúng em lo rằng sau khi học đại học xong sẽ khó xin được việc thuộc lĩnh vực này ở tỉnh nhà. Có cơ chế thu hút hay ưu đãi gì cho chúng em sau khi học xong đại học về tỉnh nhà không?

Học sinh Trường THPT Chuyên BK
Đoàn viên Cao Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Kạn.

Anh Vi Văn Giang, Bí thư Đoàn xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) chuyển đến Hội nghị ý kiến: Là 1 HTX mới thành lập, chuyên về bánh gio đặc sản của Bắc Kạn, trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn nhiều hạn chế nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số... Vậy để hỗ trợ các HTX trong quá trình chuyển đổi số, thì tỉnh có những cơ chế, chính sách nào?

câu hỏi bánh Gio
Anh Vi Văn Giang, Bí thư Đoàn xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn).

Chị Đặng Thị Hà, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Bắc Kạn nêu câu hỏi: Theo các thông tin về chuyển đổi số thì liệu chuyển đổi số có tạo ra thất nghiệp không? Khi mà chuyển đổi số, máy móc thay thế con người?

8h26': Hội nghị bước vào nội dung đối thoại trực tiếp giữa thanh niên với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

8h14': Hội nghị xem phóng sự Thanh niên Bắc Kạn với chuyển đổi số.

Phóng sự Thanh niên với chuyển đổi số do Tỉnh Đoàn phối hợp với Đài PTTH tỉnh thực hiện.

8h07': Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia" nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, đề án… nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó các sở, ban, ngành, địa phương đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm chuyển đổi nhận thức, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, thanh niên Bắc Kạn đã và đang là lực lượng tiên phong, nhân tố quan trọng có nhiều ảnh hưởng đến sự thành công của các mục tiêu chương trình chuyển đổi số đề ra...

Để đạt được yêu cầu, mục tiêu của chương trình đối thoại, đồng chí đề nghị các đoàn viên thanh niên và các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi những giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên trong chuyển đổi số; đồng thời, góp ý đối với những bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng, triển khai chương trình chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, từ đó đề xuất với lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành về các giải pháp nhằm phát huy vai trò của thanh niên đóng góp, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

[Trực tiếp] Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số ảnh 15
Quang cảnh hội nghị.

8h00': Hội nghị đối thoại khai mạc.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, huyện, thành phố cùng hơn 1.000 Bí thư, Phó Bí thư, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại 01 điểm cầu cấp tỉnh 07 điểm cầu cấp huyện và 96 điểm cầu cấp xã trong toàn tỉnh.

Đông chí Ma Thị Mận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh.
Đồng chí Ma Thị Mận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát biểu tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Quý Đôn - Đăng Bách - Bích Huyền - Đình Hợi

Xem thêm