Nam Mẫu khai thác lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng

Nằm ở phía Tây huyện Ba Bể, xã Nam Mẫu có điều kiện thiên nhiên phong phú, đa dạng với khí hậu trong lành, mát mẻ cùng cảnh quan hồ Ba Bể nổi tiếng. Đây là lợi thế để Nam Mẫu khai thác phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Làng văn hóa Pác Ngòi là địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn ở Nam Mẫu.
Làng văn hóa Pác Ngòi là địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn ở Nam Mẫu.

Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Nam Mẫu đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm làm nông nghiệp với người dân địa phương; mô hình du lịch sinh thái với các hoạt động tham quan, trải nghiệm phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông nơi đây.

Đến nay, loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Nam Mẫu đã và đang phát triển mạnh. Điển hình như tại thôn văn hóa Pác Ngòi, hiện nay nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ nhà sàn homestay phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm danh lam thắng cảnh, văn hóa và thưởng thức ẩm thực địa phương. Nhiều gia đình còn đầu tư xuồng để chở khách tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ Ba Bể. Nhờ đó Pác Ngòi đã trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn trên địa bàn xã Nam Mẫu. Toàn xã hiện có hơn 50 cơ sở lưu trú, trong đó nhiều cơ sở đã nâng cấp, cải tạo chính nhà sàn của mình để kinh doanh dịch vụ homestay, vừa đáp ứng nhu cầu du khách, vừa giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của người Tày.

Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp đang được xã Nam Mẫu định hướng phát triển.
Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp đang được xã Nam Mẫu định hướng phát triển.

Năm 2007, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Ba Bể triển khai Dự án bảo tồn và phát triển làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày thôn Pác Ngòi. Đây là cơ hội tốt để Nam Mẫu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đến nay xã đã thành lập được 08 đội văn nghệ hát Then, đàn Tính của người Tày và múa khèn của người Mông để biểu diễn phục vụ du khách. Những hoạt động du lịch cộng đồng này không những giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc địa phương đến với du khách gần xa mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời nâng cao nhận thức về du lịch đối với cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Những năm gần đây, vào mùa cao điểm của du lịch hồ Ba Bể, xã Nam Mẫu đón hàng nghìn khách du lịch đến với địa phương để tham quan và trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa đặc sắc, thưởng thức ẩm thực của người dân bản địa.

Đồng chí Ngôn Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ người dân làm du lịch. Hiện nay xã đã trình UBND huyện hỗ trợ kinh phí khôi phục hoạt động của chợ đêm Pác Ngòi với cách làm quy củ hơn, đầy đủ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, xã sẽ phát triển các sản phẩm nông sản địa phương và một số cây dược liệu như giảo cổ lam, sa nhân gắn với Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm sản vật địa phương.

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Nam Mẫu hiện vẫn còn nhiều hạn chế do cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của người dân còn nghèo nàn, chưa đa dạng các loại hình dịch vụ để níu chân du khách. Vì vậy rất cần có sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, huyện, cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc nâng cấp đường giao thông, đầu tư các điểm tham quan, giúp Nam Mẫu khai thác được hết tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân./.

H. Thanh

Xem thêm