Hương cốm Ngân Sơn

Khi lúa mùa sớm đã bắt đầu chín rộ, thì lúa nếp mới đến độ làm cốm. Ấn tượng về hương cốm non thơm dịu nhẹ trong tiết trời mùa thu phảng phất dọc đường các thôn, bản thúc giục chúng tôi tìm về xã Thượng Ân (Ngân Sơn)- miền quê giàu truyền thống cách mạng và có tiếng về nghề làm cốm thơm ngon, lâu đời...

Hương cốm Ngân Sơn ảnh 1
Hạt thóc cốm sau khi thu hoạch về được đem luộc rồi rửa, đây là công đoạn giúp cho cốm dẻo lâu hơn.

Gia đình chị Đinh Thị Mai, thôn Nà Hin gắn bó với nghề làm cốm nhiều năm và có nguồn thu đáng kể từ cốm. Chỉ đến gần cửa nhà mà hương thơm nhẹ của nồi luộc cốm đã thoang thoảng dễ chịu, máy quay rang cốm đang phát huy hết công suất. Đang vụ làm cốm nên chị Mai luôn tay, luôn chân đảo cốm rồi đun bếp... Vừa hối hả làm việc, chị vừa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên gắn với nghề làm cốm.

Cứ khoảng cuối tháng 8 âm lịch hằng năm, gia đình chị Đinh Thị Mai lại tất bật với công việc làm cốm, bởi làm uy tín lâu năm nên sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho khách hàng. Với 7.000m2 đất ruộng, gia đình chị cấy 02 loại lúa nếp rải vụ gồm giống nếp hạt to và Khẩu Nua Lếch, cấy cách nhau 5 ngày một thửa. Mỗi mùa cốm gia đình làm liên tục được khoảng 40 ngày, mỗi ngày hơn 1 tạ thóc. Bình quân 40kg thóc làm được 10kg cốm, giá bán tại nhà là 100.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình có nguồn thu nhập đáng kể.

Hương cốm Ngân Sơn ảnh 2
Làm cốm đã thuận lợi hơn khi có máy móc giúp tăng năng suất mà vẫn giữ được hương vị cốm cổ truyền (Trong ảnh: Máy rang cốm của gia đình chị Mai).

Chị Mai chia sẻ: Để có được hạt cốm thơm, dẻo không hề dễ dàng. Có nhiều khi chị làm thâu đêm để kịp sáng hôm sau có cốm gửi đến khách hàng. Thóc nếp được gặt về, tuốt rồi đem luộc trong nồi gang trên bếp lửa sôi hơn một giờ đồng hồ, sau đó đem rửa, phơi cho khô bớt, đem vào lò quay sấy khoảng một tiếng cho hạt thóc khô. Kiểm tra hạt thóc dóc vỏ mới đạt, rồi phơi cho nguội, tiếp đó cho vào máy xát, sàng sảy và giã... mới thu được cốm đạt chuẩn vị, màu xanh tự nhiên. Thường khoảng 3h sáng, chị Mai dậy giã cốm, sàng sảy để có cốm ngon, dẻo đóng gói gửi xe ô tô cho khách. Cốm được gói trong lá chuối và hút chân không, có thể bảo quản trong tủ đá được lâu, khi chế biến lại vẫn giữ được hương vị dẻo, thơm.

Nghề làm cốm tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu đáng kể, vì vậy chị Mai đã đầu tư máy móc để giải phóng sức lao động. Đến nay nhiều công đoạn đã có sự hỗ trợ từ máy móc, năng suất hơn mà chất lượng cốm vẫn giữ nguyên. Ngoài sử dụng diện tích lúa nếp của gia đình, mỗi vụ chị Mai còn mua thêm của người dân xung quanh hơn 1 tấn thóc.

Hương cốm Ngân Sơn ảnh 3
Sau khi giã xong phải đem sàng, sảy nhiều lần mới thu được mẻ cốm ngon.

Cụ Hoàng Thị Thục, năm nay 83 tuổi nhưng vẫn giúp con cháu các công đoạn làm cốm vừa với sức mình. Vừa sàng sẩy, nhặt thóc khỏi cốm, cụ cho biết: Trước đây, để làm được mẻ cốm mất rất nhiều thời gian, rang thóc từng chút một rồi giã mỏi nhừ đôi chân. Mỗi năm đến vụ làm cốm, bà con chỉ làm một mẻ để ăn cho có mùa. Nay nhìn các cháu làm cốm nhanh hơn và nhiều hơn, mới thấy cuộc sống ngày càng phát triển, tôi vui vì hương vị cốm vẫn giữ được như cách làm truyền thống. Kinh nghiệm từ các cụ truyền lại, cứ 4 tháng kể từ khi trồng đến thu hoạch thì bông lúa nếp mới đạt để làm cốm ngon; lúa phải cắt vào buổi sáng sớm khi còn sương đêm, bởi khi nắng lên hạt thóc bị khô nhựa làm cốm màu không đẹp, ăn không ngon ngọt; thóc nếp non sau khi tuốt phải đãi hạt lép đi rồi mới đem hấp, công đoạn này giúp cho cốm dẻo lâu hơn.

Nhận thấy cây lúa nếp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là làm cốm từ giống lúa nếp đặc sản Khẩu Nua Lếch, xã Thượng Ân đã phối hợp với ngành chuyên môn trồng thử nghiệm và mở rộng diện tích. Vụ mùa năm 2021, toàn xã trồng được hơn 50ha Khẩu Nua Lếch, nhiều hộ đã gắn bó lâu năm với nghề làm cốm, xây dựng được uy tín trên thị trường.

Trên địa bàn huyện Ngân Sơn hiện có trên 300ha lúa nếp, trong đó riêng Khẩu Nua Lếch có diện tích hơn 100ha, tập trung nhiều ở các xã Cốc Đán, Thượng Ân, Thượng Quan, Thuần Mang, Bằng Vân… Để duy trì và từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập từ nghề làm cốm, huyện vận động người dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, chế biến cốm ra nhiều sản phẩm khác nhau như: Cốm ăn trực tiếp, làm chả cốm, bánh cốm, chè cốm, xôi… rất được thị trường ưa chuộng. Năm 2015, nhãn hiệu tập thể “Gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ số 249213; năm 2018 sản phẩm gạo nếp Khẩu Nua Lếch của HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao... Đây là những tiền đề để hương cốm Ngân Sơn bay xa, trở thành sản phẩm giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đồng thời cốm cũng đang trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện đối với du khách trong và ngoài tỉnh./.

Hà Nhung

Xem thêm