Đổi thay trên quê hương cách mạng Ngân Sơn

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Ngân Sơn đã đoàn kết, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực, diện mạo nông thôn từng bước được đổi mới, đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Đổi thay trên quê hương cách mạng Ngân Sơn ảnh 1
Trung tâm hành chính huyện Ngân Sơn.

Thời điểm tái lập tỉnh Bắc Kạn (năm 1997), kinh tế - xã hội huyện Ngân Sơn còn rất nhiều khó khăn, tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đến năm 2000 chỉ đạt 9.134/11.000 tấn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra; phát triển chăn nuôi gia súc đã trở thành hàng hóa nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, công tác phòng chống dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội, mạng lưới giao thông trong huyện chủ yếu là đường đất, hay sạt lở, đi lại khó khăn; chỉ có 04 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm; tỷ lệ đói nghèo còn tới trên 24%; hơn 40% trẻ em bị suy dinh dưỡng…

Để từng bước khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng để phát triển, huyện Ngân Sơn xác định tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó coi nông nghiệp là thế mạnh để tạo động lực. Cùng với đó, huyện tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế... Nhờ nhiều giải pháp sát thực tế, kinh tế - xã hội của huyện có những bước chuyển biến tích cực, đời sống mọi mặt của Nhân dân được nâng cao.

Tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân hằng năm của huyện đạt hơn 17.414 tấn, bình quân 594kg/người/năm, an ninh lương thực được đảm bảo. Diện tích đất canh tác đạt giá trị từ 100 triệu đồng trở lên/ha/năm tăng dần qua các năm, đến nay đạt 850ha. Toàn huyện có 04 sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh gồm: Gạo nếp Khẩu nua lếch, Măng ớt, Bún khô và Phở khô, trong đó gạo nếp thơm Khẩu nua lếch và Phở khô đã ký hợp đồng hợp tác thương mại với siêu thị Big C. Trong nhiệm kỳ, bình quân mỗi năm huyện trồng được hơn 893ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,4%.

Toàn huyện có 118 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30,1 tỷ đồng (theo giá cố định năm 2010). Thương mại và dịch vụ ngày càng phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 370 tỷ đồng. Công tác thu ngân sách luôn được quan tâm chỉ đạo, kết quả thu ngân sách bình quân đạt 14,304 tỷ đồng/năm.

Bằng nhiều nguồn lực, đến nay toàn huyện có 95,1% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trụ sở mới; 100% số thôn có đường xe máy đi lại thuận tiện vào mùa khô. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học được phát triển, số cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện có 33 trường, 03 nhóm trẻ tư thục và 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Đến nay đã có 06/9 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 04 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Toàn huyện có 9/9 trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ và được công nhận đạt tiêu chí về y tế. Trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 95%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 13,8%.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp và có bước phát triển cả về bề rộng, chiều sâu; việc xây dựng “gia đình văn hóa”, “làng bản, tổ dân phố văn hoá” được chú trọng. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 86,9% hộ được công nhận Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đạt 81,8%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt 93,8%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, 123/143 thôn, khu dân cư có nhà họp thôn, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì, phát triển rộng khắp.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện Ngân Sơn thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; chú trọng đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn, năng lực công tác tốt, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Năm 1997, Đảng bộ huyện có 30 tổ chức cơ sở đảng với 815 đảng viên, có 58/169 thôn chưa có đảng viên. Năm 2008, huyện đã xóa hết thôn “trắng đảng viên”. Đến nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ huyện đã sắp xếp 04 tổ chức cơ sở đảng, chia tách, sáp nhập 18 chi bộ thôn, giải thể 07/07 chi bộ cơ quan xã; đã kết nạp 801 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ huyện lên 3.267 đồng chí, chiếm 10,5% dân số. 

Nhằm sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong nhiệm kỳ qua, huyện Ngân Sơn đã giải thể 02 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện và 01 ban HĐND huyện; sáp nhập, thành lập mới 04 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện; sắp xếp bộ phận cán bộ tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện theo Đề án số 12 của Tỉnh ủy. Tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính xã Hương Nê và xã Lãng Ngâm thành xã Hiệp Lực; sáp nhập 57 thôn, tổ dân phố. Sau sắp xếp, kiện toàn các phòng, ban, đơn vị, thôn, tổ dân phố đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Hà Sỹ Thắng- Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn đánh giá: Nhìn lại 25 năm xây dựng, phát triển với sự đoàn kết, sáng tạo, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự cần cù của Nhân dân, huyện Ngân Sơn đã có bước tiến dài. Tuy nhiên, đến nay số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn còn chiếm tới hơn 45%. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục đặt ra những mục tiêu như: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung gắn với sản xuất hàng hoá có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tạo chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với phát triển kinh tế. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đoàn thể, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc xây dựng quê hương Ngân Sơn thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025.

Với truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Ngân Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng và phát triển Ngân Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng./.

Hà Nhung