Thơm dịu hương truyền thống Tân Tú

Từ nhiều đời nay, người dân thôn Bản Mới và thôn Khuổi Sla xã Tân Tú, huyện Bạch Thông vẫn lưu giữ nghề hương truyền thống. Tuy chỉ là nghề phụ và phải làm các công đoạn vất vả nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng gìn giữ và phát triển hương truyền thống…

Bà Dín đã gần 40 năm gắn bó với nghề làm hương
Bà Dín đã gần 40 năm gắn bó với nghề làm hương.

Từ kinh nghiệm ông cha truyền lại, người dân xã Tân Tú đã duy trì và phát triển nghề làm hương thủ công, được người tiêu dùng ưa chuộng với mùi hương tự nhiên, an toàn. Hiện tại toàn xã có hơn 10 hộ gắn bó với hương thủ công truyền thống, nhận làm khi có khách đến đặt và đi bán ở chợ phiên những dịp lễ, Tết. 

Trong văn hóa tâm linh của người Việt, nén hương như một thứ phương tiện kết nối tâm linh. Người dân tộc Tày ở xã Tân Tú, huyện Bạch Thông cũng vậy. Với họ, nén hương được sử dụng trong việc thờ cúng tổ tiên trong dịp lễ, Tết, vào nhà mới, cưới hỏi, trong nghi lễ thực hành then hoặc trong mỗi lễ hội lồng tồng. Và dường như nghề làm hương của người Tày nơi đây cũng bắt đầu từ sự mong muốn kết nối tâm linh ấy. Hương truyền thống của người dân xã Tân Tú là loại hương que được làm bằng tâm huyết và sự khéo léo của bà con trong vùng. Để có được những que hương đẹp đưa ra ngoài thị trường, việc làm hương ở xã Tân Tú thường tiến hành theo phương pháp thủ công qua nhiều bước quan trọng, tỉ mỉ và độc đáo.

Ghé thăm gia đình bà Hoàng Thị Dín, người đã gần 40 năm gắn bó với nghề làm hương, chúng tôi đã có dịp biết về các công đoạn đặc sắc để có được những nén hương truyền thống. Thông thường, cốt tăm hương làm từ những dóng cây mai già, dài và thẳng được người dân nơi đây mang về cắt và chẻ thành từng que nhỏ có chiều dài từ 30-40cm, đường kính 2-3mm, sau đó ngâm xuống nước khoảng từ ba tháng trở lên rồi phơi khô, vò kỹ sao cho que sạch và bóng. Phần bột hương bọc quanh cốt có màu vàng sẫm hoặc màu nâu được người dân xã Tân Tú kết hợp từ những loại lá cây lấy trên rừng như lá phây hoặc lá quế, phơi khô rồi nghiền nhỏ thành bột mịn trộn với bột gỗ có mùi thơm. Ngày xưa, chưa có máy móc, người dân trong vùng phải dùng cối giã tay để làm nát, mịn các nguyên liệu trên. Nhưng nay đã có máy nghiền nên việc chuẩn bị nguyên liệu cho việc làm ra những nén hương truyền thống đã thuận tiện hơn.

Sau khi đã chuẩn bị đủ nguyên liệu, công đoạn làm đầu tiên là nhúng cốt vào nước sau đó lăn bột hương. Khi lăn phải nhanh tay lắc để bột vừa bám dính, vừa bảo đảm độ tròn đều của cây hương. Cứ thế việc lăn bột hương được lặp đi lặp lại nhiều lần cho tới khi cây hương được khoác lớp áo bột đều là đạt yêu cầu. Sau đó hương được đem đi hong, đi phơi. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì hong hai đến ba ngày. Để tạo sự bắt mắt, phần chân hương được bà con quết thêm phẩm màu hồng tím.

Bà Ngoan phơi những mẻ hương mới hoàn thành
Bà Ngoan phơi những mẻ hương mới hoàn thành.

Vừa liên tay rắc bột, bà Dín vừa kể: Gia đình tôi đã bốn đời gắn bó với nghề làm hương truyền thống. Các công đoạn của nghề làm hương ta của người Tày phải luôn đảm bảo đúng kỹ thuật, không được phép cẩu thả. Nguyên liệu làm hương không pha trộn chất hóa học, 100% dùng nguyên liệu từ tự nhiên nên tạo mùi thơm dịu, không gắt, không làm cay mắt. Nhà tôi ngày nào cũng làm, quanh năm, nhưng chỉ dịp lễ, Tết hay nhà ai có việc thì mới bán được nhiều, còn bình thường đem ra chợ phiên, có những khách quen sẽ đến mua thường xuyên.

Khác với gia đình bà Dín, nhiều hộ khác ở xã Tân Tú, làm hương chỉ là nghề phụ, dù được duy trì nhiều năm nhưng chủ yếu sẽ làm nhiều nhất là những tháng giáp Tết Nguyên đán, rằm tháng Riêng, rằm tháng Bảy… Những ngày này, nhân lực để làm hương được tập trung từ trẻ em, đàn ông, đàn bà và cả người già. Dưới đôi bàn tay khéo léo của họ, biết bao nén hương thơm được sản xuất ra phục vụ người tiêu dùng. Để đưa ra thị trường, bà con thường bó khoảng 50 tăm hương lại, cuộn đầu bó hương bằng báo để đảm bảo bột hương không bị gãy, rơi rụng khỏi cốt. Với giá bán như hiện nay là 10 nghìn đồng/bó, một năm nguồn thu nhập từ nghề làm hương cho mỗi hộ gia đình khoảng hơn 30 triệu đồng. Thu nhập từ việc làm hương là không nhiều, nhưng làm hương của những người dân tộc Tày nơi đây đã ăn sâu vào máu thịt. Họ làm hương với niềm say mê, trân quý.

Liên tay phơi những mẻ hương vừa hoàn thành, bà Lý Thị Ngoan, thôn Khuổi Sla chia sẻ: Tôi làm hương gần 10 năm rồi, nhưng chủ yếu đến Tết mới làm vì làm hương vất vả, tỉ mỉ, giờ kiếm nguyên liệu khó, mua cũng đắt, các công đoạn phức tạp. Nhưng cũng theo thói quen, nếu không làm hương lại thấy không vui. Nhiều người ở xa đến khen hương đốt được lâu (thông thường 1 giờ đồng hồ), mùi hương dễ dịu lại không độc hại. Những người làm hương lâu năm như chúng tôi chỉ mong muốn nghề này được lưu giữ và phát triển mãi….

Bích Phượng

Xem thêm