Nuôi bò chọi ở bản Mông

Chọi bò đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Pác Nặm trong mỗi dịp lễ hội. Vì thế nơi nào có đồng bào Mông sinh sống thường phát triển chăn nuôi bò chọi, từ đó hình thành nét văn hóa riêng của dân tộc.

Bò chọi được gia đình anh Lý Văn Pá, thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh (Pác Nặm) chăm sóc kỹ lưỡng.
Bò chọi được gia đình anh Lý Văn Pá, thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh (Pác Nặm) chăm sóc kỹ lưỡng.

Bò chọi được đồng bào Mông xem như là biểu tượng của sức mạnh. Giống bò chọi ở huyện Pác Nặm thường được đồng bào Mông chọn từ các nước Lào, Thái Lan và một số giống bò từ các địa phương khác như Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh... Việc nuôi bò chọi khá công phu, chuồng phải được lát ván gỗ để giữ cho đôi chân bò sạch sẽ, khô thoáng phòng tránh hơi ẩm từ đất gây nấm bệnh. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên tắm, chải lông nhằm loại bỏ kí sinh trùng gây lở loét. Thức ăn là cỏ tươi thái nhỏ, cám ngô nấu chín, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp tránh để bò quá béo hoặc quá gầy sẽ không đủ sức để thi đấu. Bò chọi khỏe thì phải đáp ứng các yếu tố như sừng dài cong; u cao; lưng thon có chiều dài từ 90cm đến 1m; có chiều cao từ 1,25m trở lên; đuôi dài và vòng ngực lớn... Theo người dân chia sẻ, bò chọi còn được bán sang Trung Quốc với giá cao hơn bò thường.

Năm nào cũng duy trì nuôi một đôi bò khỏe mạnh để tham gia hội chọi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh, anh Hoàng Văn Thụ ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La cho biết: "Nuôi bò chọi là niềm đam mê vì người Mông thích xem chọi bò. Nuôi một khoảng thời gian, nếu thấy đủ điều kiện thì đưa bò đi chọi thử để rèn luyện khả năng thi đấu. Nếu bò thắng nhiều trận thì được trả giá cao, có khi gấp 2 - 3 lần so với giá mua ban đầu. Bò nhà mình mua đắt, Tết và tháng vừa rồi dắt đi chọi thắng 03 lần nên mình sẽ nuôi khoảng 2 - 3 tháng rồi mang đi chọi tiếp, lúc đó bán giá mới cao".

Ông Hầu Văn Vàng ở thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh vừa mua đôi bò chọi trị giá 120 triệu đồng. Ông trồng hơn 7.000m2 cỏ voi và ngô để làm thức ăn cho bò chọi. Với kinh nghiệm nuôi bò chọi nhiều năm, ông Vàng chia sẻ: "Để trở thành bò chọi thì con bò đó phải khỏe mạnh, sừng dài, u to, săn chắc, da dày, lông mượt... Gia đình tôi tách riêng, nuôi nhốt bò trong chuồng hẹp và chỉ cho ra ngoài mài sừng, tắm rửa và cày, bừa nương ngô. Việc ít đưa bò ra ngoài và nuôi trong chuồng hẹp để bò có bốn bắp to khỏe và tăng tính hiếu chiến khi gặp đối thủ".

Cũng là hộ có niềm đam mê với bò chọi, anh Lý Văn Pá ở thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh cho hay: "Nuôi khoảng 3 - 4 tháng tôi dắt bò ra bãi đấu thử. Qua đó nhận biết điểm yếu và luyện thêm sức chiến trước khi đưa bò đi thi đấu. Bò chọi đáng giá nhất là cặp sừng, chuẩn phải nhọn hoắt và cong về phía trước. Điểm quan trọng nữa chính là đôi mắt, mắt không quá to, mắt sâu, sáng quắc thì khi vào trận bò sẽ hung hăng, hiếu chiến. Bò chọi nếu không nuôi nữa, thời điểm được giá, bán vẫn có lãi từ 2 - 3 triệu đồng/con".

Thú chơi chọi bò của đồng bào Mông có từ bao đời nay, hiện khắp các thôn, bản người Mông sinh sống trên địa bàn huyện Pác Nặm đều có người nuôi bò chọi. Tập trung nhiều ở các địa phương như: Cổ Linh, Xuân La, Công Bằng, Nghiên Loan, Bằng Thành. Mỗi lần lễ hội lớn, bò chọi sẽ được tập trung về khu vực tổ chức Lễ hội Mù Là thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh để giao đấu. Việc duy trì nuôi bò chọi góp phần giữ gìn nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông tại huyện vùng cao Pác Nặm./.

Thanh Hảo

Xem thêm