Nhà thơ Nông Quốc Chấn- Người trăn trở với sự phát triển VHNT tỉnh Bắc Kạn

Lời giới thiệu:

Nhà thơ Nông Quốc Chấn tên thật là Nông Văn Quỳnh, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1923 tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia du kích và Giải phóng quân trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, tham gia Tỉnh ủy Bắc Kạn và bắt đầu hoạt động văn hóa văn nghệ. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca”. Ông được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông cũng là một trong số ít người thành công trong việc dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc.

Ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1958. Là đại biểu Quốc hội khóa II, từ năm 1970 là Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ nhiệm Tạp chí Văn hóa – nghệ thuật, Tổng biên tập Tạp chí Toàn cảnh sự kiện và dư luận…

Trong suốt 60 năm phấn đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hóa văn nghệ đất nước, đặc biệt là với sự nghiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số - nhà thơ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Nông Quốc Chấn đã cho ra đời hàng chục tập thơ, nhiều cuốn sách lý luận phê bình, nhiều bài nghiên cứu mang tính chuyên sâu về các vấn đề văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nói riêng.

Về Giải thưởng văn học: Bài thơ Dọn về làng của ông đã giành Giải thưởng tại Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới họp ở Beclin năm 1951. Một số bài thơ cách mạng và kháng chiến được Hội Văn nghệ Việt Nam trao giải thưởng năm 1954, Hội Nhà văn trao giải thưởng năm 1958. Ông là người duy nhất của Bắc Kạn đến thời điểm này được nhận phần thưởng cao quý Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. 

Kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông (18/11/1923-18/11/2022), Báo Bắc Kạn điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết về ông- người con ưu tú của núi rừng Bắc Kạn.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn- Người trăn trở với sự phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn

Nhà thơ Nông Quốc Chấn là người luôn đau đáu với vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Với quê hương Bắc Kạn ông là người tâm huyết, luôn trăn trở với sự phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. Ảnh: TL
Nhà thơ Nông Quốc Chấn (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. Ảnh: TL

Còn nhớ ở thời điểm mới tái lập tỉnh cách đây hơn 25 năm, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông đã dành nhiều thời gian lên thăm, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh về việc khẩn trương xúc tiến cho ra đời Hội VHNT tỉnh. Ông trực tiếp làm việc, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh lúc bấy giờ, như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Phụng, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Ruệ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đặng Phúc Lường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Sỹ Toàn… Nhờ đó mà trong bộn bề khó khăn thách thức của một tỉnh miền núi vùng cao còn nghèo, điểm xuất phát thấp, mới tái lập nhưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự ra đời của Hội VHNT tỉnh.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn, Trưởng Ty Thông tin Bắc Kạn (giữa), 
ảnh chụp tại thị xã Bắc Kạn năm 1949. Ảnh TL
Nhà thơ Nông Quốc Chấn, Trưởng Ty Thông tin Bắc Kạn (giữa), ảnh chụp tại thị xã Bắc Kạn năm 1949. Ảnh TL

Chỉ sau 6 tháng tái lập tỉnh, ngày 16 tháng 6 năm 1997, Tỉnh ủy lâm thời Bắc Kạn đã ra Quyết định về việc thành lập Hội VHNT Bắc Kạn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời, gồm 5 đồng chí do nhà thơ Triệu Kim Văn làm Chủ tịch, nhà văn Nông Viết Toại làm Phó Chủ tịch, đây cũng là ngày thành lập của Hội VHNT Bắc Kạn. Sự ra đời của Hội không những chỉ là niềm vui của những anh em hoạt động trên lĩnh vực này, mà còn là niềm vui chung của tất cả mọi người yêu thích và quan tâm tới sự nghiệp văn học nghệ thuật. Nhờ có BCH lâm thời hoạt động tích cực, việc tập hợp hội viên cũng như công tác xúc tiến chuẩn bị cho đại hội lần thứ nhất đã được diễn ra hết sức khẩn trương. 

Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm động viên, chỉ rõ đường đi nước bước cho hoạt động của Hội nên chỉ sau một thời gian ngắn Đại hội lần thứ nhất Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn đã được tổ chức vào các ngày 19 – 20 tháng 4 năm 2000. Tại Đại hội lần đầu tiên này, nhà thơ Nông Quốc Chấn với tư cách là Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Trong bài phát biểu Nhà thơ đã tự hào nói về các dân tộc anh em Bắc Kạn cùng “chung sống trên một vùng đất có Phja Bjoóc – núi Hoa, có Phủ Thông – đèo Giàng, đèo Gió, có hồ Ba Bể, sông Năng, sông Cầu. Những con người và rừng núi, sông suối đã sáng tạo ra vùng văn hóa, văn học nghệ thuật đa dạng, giàu bản sắc”.

Nói về con người Bắc Kạn, ông viết: Những con người Bắc Kạn vẫn khiêm tốn tự nhận quê hương mình chưa giàu có về tiền của, song tự hào về lòng yêu nước, về truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ trong quá trình đấu tranh giữ nước, dựng nước”. Ông cũng tự hào nói về quê hương “Bắc Kạn một vùng rừng núi, suối sông trong khu căn cứ địa cách mạng, kháng chiến của cả nước Việt Nam”. Mảnh đất nơi đây với những tên làng, tên núi, tên sông đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhà thơ viết: “Những hình ảnh bộ đội Ông Cụ - tức Cụ Hồ, đồng chí Văn – tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy lực lượng cách mạng tiến từ đất Nguyên Bình – Cao Bằng vượt Khau Giảng tỏa về các huyện Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn, Na Rì, Bạch Thông, tầng tầng lớp lớp người vùng lên như ngọn sóng… Những hình ảnh ấy đã được ghi thành nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của tỉnh Bắc Kạn. Những bài hát, bài thơ, trang văn, tấm ảnh, bức tranh ca ngợi tính cách chất phác mà dũng cảm của con người các dân tộc Bắc Kạn đã được hòa hợp vào bản hòa tấu Việt Nam. Những dòng suối văn nghệ không ngừng róc rách”.

Bắc Kạn tự hào là nơi sinh ra nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến. Nhà văn Tô Hoài viết truyện “Chú bé Hoa Sơn”, “Núi Cứu Quốc”; nhà văn Nam Cao viết  “Nhật ký ở rừng”; nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên sáng tác ca khúc “Chiến thắng Phủ Thông”; nhà thơ Nông Quốc Chấn viết trường ca “Việt Bắc đánh giặc” bằng tiếng Tày. Bắc Kạn cũng tự hào là tỉnh sớm được giải phóng, cũng là nơi sớm thành lập Hội Văn hóa các dân tộc và từ đó đã xuất hiện đội ngũ những người làm công tác văn nghệ các dân tộc của tỉnh nhà. Phải kể đến là 3 học sinh tốt nghiệp Trường Văn nghệ Việt Nam trở về gồm: Hoàng Hóa, Dương Văn Đình, Minh Thông, tiếp đó là các cây bút Nông Minh Châu, Nông Viết Toại (viết văn xuôi ), Bế Sĩ Uông (viết kịch)…

Trong bài phát biểu của mình Nhà thơ đã kể lại một số hoạt động qua những năm chiến đấu trên mảnh đất này để qua đó khẳng định: “Bắc Kạn, một vùng đất có văn hóa, có lực lượng văn nghệ dân gian, văn nghệ hiện đại. Hội VHNT Bắc Kạn có căn cứ để phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Như các dòng suối dòng sông, văn nghệ các dân tộc không bao giờ ngừng chảy”. Ông đề nghị Hội VHNT tỉnh hãy tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa văn nghệ của các dân tộc và chỉ ra một số nhiệm vụ trước mắt. Đó là: Có kế hoạch sưu tầm vốn văn nghệ cách mạng, kháng chiến của các dân tộc Bắc Kạn. Tổ chức cho hội viên có điều kiện học tập, nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm, nhanh chóng hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc Bắc Kạn. Tạp chí văn nghệ của Hội cần được nâng cao chất lượng và phát hành rộng nữa. Bên cạnh tiếng Việt – chữ quốc ngữ, Tạp chí cố gắng in một số bài song ngữ Việt – Tày, Nùng hay Việt - Dao. Hội VHNT là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, cần kiện toàn tổ chức hoạt động cho đúng tầm thời đại…

Nhắc nhớ, tri ân nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn với tấm lòng, tình cảm, niềm tự hào dành cho quê hương, cho nền VHNT tỉnh nhà. Đó cũng là điều mong muốn mỗi người chúng ta hãy cùng nhau cố gắng vượt khó đi lên thực hiện thật tốt những điều mà các vị lãnh đạo tiền bối đã nhắc nhở, căn dặn để cùng nhau đoàn kết chung sức chung lòng xây dựng Hội VHNT tỉnh ngày càng phát triển vững mạnh trong thời kỳ mới, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

                                                                                              Ma Phương Tân 

Xem thêm