Lớp học trên rẻo cao Phiêng Đén

Điểm Trường Mầm non Phiêng Đén là điểm trường xa nhất của xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn. Học sinh ở đây chủ yếu con em đồng bào dân tộc Mông, Dao. Dù còn nhiều khó khăn song chính sự nhiệt huyết, yêu nghề của các cô giáo đã giúp mỗi ngày đến trường của trẻ trở nên có ý nghĩa hơn.

Cô Thùy và cô Diệp cùng học sinh trong một tiết học ngoài trời.

Cô Thùy và cô Diệp cùng học sinh trong một tiết học ngoài trời.

Ngôi nhà thứ hai của trẻ

Cách trung tâm xã Tân Lập 7km, đường lên điểm trường Phiêng Đén những ngày mưa gió thực sự gian nan. Đoạn đường có độ dốc khá dài, một nửa đã được đổ bê tông, còn gần 4km là đường đất có chỗ chỉ đủ một chiếc xe máy đi qua. Phải mất 45 phút khá chật vật, chúng tôi mới đặt chân tới điểm Trường Mầm non Phiêng Đén. Đó là ngôi nhà xây cấp IV, lợp mái tôn do một nhóm từ thiện hỗ trợ xây dựng cách đây 4 năm. Trường có một lớp học ghép gồm 22 trẻ với 3 độ tuổi khác nhau, 100% trẻ là con em đồng bào dân tộc Mông và Dao, đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. 

Sắp xếp những chiếc ghế nhỏ xinh để chuẩn bị vào tiết học, cô Sằm Thị Diệp và cô Lường Thị Thùy, hai giáo viên phụ trách chính tại điểm trường Phiêng Đén cột lại mái tóc, chỉnh lại quần áo gọn gàng cho trẻ rồi bắt đầu giảng bài thơ về mẹ: "Mẹ đi làm, từ sáng sớm, dậy thổi cơm, mua thịt cá, em kề má, được mẹ yêu...". Những câu thơ đồng thanh cất lên, dù chưa nhịp nhàng nhưng đã khiến không khí lớp học rộn ràng hẳn lên, xua tan sự tĩnh lặng cả một góc núi.

Các tiết học và chơi đan xen nhau cứ thế trôi qua. Cô giáo Diệp, người có hai năm dạy học tại điểm trường cho biết: "Lớp có 3 nhóm trẻ, khó nhất vẫn là nhóm trẻ 3 tuổi lần đầu ra lớp. Khi cô nói, các em gần như không hiểu gì. Những lúc như vậy lại phải nhờ đến trẻ lớp lớn phiên dịch, phải mất một thời gian dài, các bé mới hiểu dần”.

Mặc dù chỉ có hơn 20 trẻ nhưng trường vẫn tổ chức ăn bán trú, mỗi suất ăn theo quy định chỉ có 12.000 đồng cho cả bữa trưa và bữa phụ. Do ít trẻ nên ở trường không thể bố trí đầu bếp mà các cô ở đây đảm nhận luôn cả vai trò nấu nướng. Mỗi sáng đến trường, các cô phải mang theo cả thực phẩm để phục vụ cho hoạt động bán trú trong ngày. Ở trường có một gian nhỏ để nấu nướng, có tủ lạnh bảo quản đồ ăn, các cô giáo còn tranh thủ trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Cô giáo Diệp cho biết thêm, vào mùa khô ở đây thường bị thiếu nước sinh hoạt, giáo viên phải đi xin từng thùng nước về nấu nướng. Ngoài ra, điểm trường còn thiếu thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời cho hoạt động thể chất của trẻ.

Lặng lẽ ươm những mầm non

Sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 6h sáng là cô Lường Thị Thùy lại lên điểm trường. Bữa sáng ăn vội, thậm chí không kịp ăn nhưng cô vẫn phải đi đúng giờ để đảm bảo cho việc dạy học. Gia đình cô hiện có 2 con nhỏ đang tuổi đến trường, chồng thì làm việc xa, các con phải cậy nhờ hết bà ngoại. Đoạn đường từ xã Tân Lập đến Phiêng Đén không quá xa nhưng do đường khó khăn nên cô phải đi hết gần một tiếng. Trời nắng ráo thì không sao, nhưng mưa dài ngày cô phải ở lại trường vì đường trơn không thể về nhà. Khi nói về chuyện dạy học, cô tâm sự: "Trẻ vùng cao thiệt thòi nhiều mặt, nhưng qua tuyên truyền, vận động, tinh thần tới lớp của các cháu cũng rất cao. Về mùa đông, có hôm nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, nhiều bé thiếu thốn quần áo, ăn mặc phong phanh, chân trần đến lớp, nhìn rất thương”.

Các cô giáo xuôi dốc về nhà khi kết thúc ngày dạy tại điểm trường vùng cao.
Các cô giáo xuôi dốc về nhà khi kết thúc ngày dạy tại điểm trường vùng cao.

Cô giáo Nông Thị Hồng Dân- Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Lập cho hay: "Trường Mầm non Phiêng Đén là điểm trường vùng cao thuộc thôn đặc biệt khó khăn, đối tượng trẻ đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Điểm trường không chỉ hạn chế về cơ sở vật chất mà còn thiếu cả nước sinh hoạt. Chúng tôi mong muốn các tổ chức, chính quyền quan tâm nhiều hơn đến điểm trường để chất lượng dạy và học ở đây từng bước được nâng lên".

Một ngày ở điểm trường Phiêng Đén trôi qua thật nhanh. Chiều đến, trẻ ra về, lớp học thưa dần chỉ còn các cô giáo ở lại dọn dẹp để cho buổi học ngày mai. Xuống núi cũng là lúc trời nhá nhem tối, bản làng đã lên đèn. Cứ như vậy sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em của các cô giáo vùng cao Phiêng Đén mỗi ngày đi qua một cách bình lặng nhưng thật trân quý.../.

Thu Trang

Xem thêm