Cô giáo trẻ tâm huyết với nghề

Gần 10 năm công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nam Mẫu, xã Nam Mẫu (Ba Bể) cô giáo Nguyễn Thị Thùy (SN 1991), luôn lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương pháp nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh nơi đây.

Cô Nguyễn Thị Thùy vinh dự được là 1 trong 9 giáo viên trẻ được tuyên dương “Giáo viên trẻ tiêu biểu” năm 2021.
Cô giáo Nguyễn Thị Thùy được tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” tỉnh Bắc Kạn năm 2021.

Từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thùy luôn mong ước trở thành giáo viên để lên vùng cao dạy học cho các em nhỏ. Giúp đỡ các em có thêm nhiều tri thức mới, xây dựng quê hương trở nên tươi đẹp hơn. Cô giáo Thùy chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên tại Ba Bể, vì vậy, bản thân tôi hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn của học sinh nơi đây. Tôi mong muốn các em được tiếp cận, học hỏi và thực hành nói tiếng Anh nhiều hơn, có cơ hội phát triển về mọi mặt giống như trẻ em ở thành phố”.

Niềm mong ước đó đã trở thành hiện thực. Nhận công tác tại ngôi Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nam Mẫu, xã Nam Mẫu (Ba Bể), Thùy rất vui mừng. Mỗi khi đi qua sân trường, bao ánh mắt thơ ngây của  học sinh vùng cao dõi theo cô giáo trẻ, lúc đó tự trong lòng cô hứa sẽ cố gắng thật nhiều để các em học hành tiến bộ, sau này không còn vất vả làm nương, làm ruộng nữa. Trong những năm công tác, là giáo viên môn Tiếng Anh, cô giáo Thùy luôn trăn trở, nghiên cứu, trau dồi phương pháp nhằm nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh.

Với đặc trưng là trường vùng cao, đa phần học sinh đều là dân tộc Mông, Dao, do vậy khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn khó khăn, kiến thức xã hội hạn chế. Các em chưa được làm quen với môn Tiếng Anh ở cấp tiểu học, thiếu hụt từ vựng và cấu trúc câu, nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền tải kiến thức. Thêm vào đó, trong giờ học trên lớp, học sinh bắt buộc phải học tập, nghiên cứu bằng tiếng phổ thông nên nảy sinh tâm lý e ngại, rụt rè, sợ nói ngọng, mắc lỗi khi nói, sợ bạn bè chê cười, ngượng ngùng khi phải trình bày hay trả lời câu hỏi trước lớp.

Khó khăn hơn nữa là nhiều học sinh không tự tin nói tiếng phổ thông, thường giao tiếp bằng tiếng của dân tộc mình ngay trong lớp. Chính vì vậy, nhiều khi giáo viên phải nói lại bằng tiếng dân tộc hoặc nhờ học sinh khác dịch sang tiếng dân tộc thì các em mới hiểu được. Như vậy, phải qua 2-3 lượt giao tiếp thì học sinh mới có thể hiểu được nội dung truyền đạt của giáo viên và ngược lại. 

Để hiểu và gần học sinh hơn, sau mỗi buổi học, cô giáo Thùy lại chủ động gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, rút ngắn khoảng cách cô trò. Nhờ trò chuyện, đồng hành cùng các em trong hoạt động thường ngày đã giúp các em rèn luyện tiếng phổ thông nhiều hơn và đó là cầu nối cho các em chuyển dần từ tiếng phổ thông sang ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. 

Cô giáo Thùy chia sẻ: “Dạy học ở vùng cao, đặc biệt là dạy môn Tiếng Anh, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Học sinh ở đây trên 80% là dân tộc Mông, Dao, một số em còn chưa thông thạo tiếng Việt, khả năng tiếp thu hạn chế hơn vì với môn Tiếng Anh đến năm lớp 6 các em mới được học. Qua một thời gian công tác, tôi nhận thấy việc áp dụng các nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy phải rất linh hoạt thì các em mới bắt kịp kiến thức nền. Được giúp đỡ các em, qua từng ánh mắt của học trò, tôi càng cảm thấy yêu nghề hơn”.

Theo phương pháp đổi mới giáo dục, học sinh THCS được khuyến khích sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Trong lớp học cần tạo cơ hội cho học sinh giao tiếp bằng nhiều hình thức: Giáo viên - cả lớp, giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh. Giáo viên là người hướng dẫn các em làm quen với đàm thoại từ những tình huống đơn giản đến đàm thoại theo chủ điểm, chủ đề. Trong các hoạt động trên lớp, giáo viên sử dụng tiếng Anh với những câu lệnh, đôi khi phải dùng tiếng Việt giới thiệu ngữ liệu khó và có lúc cần sử dụng cả hai ngôn ngữ.

Để xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh ngoài giờ lên lớp, cô giáo Thùy tạo thói quen cho các em khi gặp bên ngoài, học sinh và giáo viên giao tiếp bằng tiếng Anh với các câu chào hỏi đơn giản. Bên cạnh đó, cô đã chủ động kết nối, liên hệ với các homestay đưa học sinh đến giao tiếp, thực hành với khách du lịch nước ngoài. Thường thì các em sẽ được vui chơi hoặc tham gia hoạt động văn nghệ cùng với du khách nước ngoài. Trong quá trình hoạt động sôi nổi, các em đã bớt dè dặt và sử dụng tiếng Anh nhiều hơn. Nhờ đó, học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, nhiều em có thể giao tiếp tốt với người nước ngoài, giới thiệu thông tin cá nhân, nói về cảnh đẹp tại địa phương...

Với những nỗ lực trong công tác, nhiều năm cô giáo Thùy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm học 2020 - 2021 đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; môn Tiếng Anh có 01 học sinh đạt giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Đặc biệt, cô giáo Nguyễn Thị Thùy là 1 trong 9 giáo viên trẻ được tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” tỉnh Bắc Kạn năm 2021. Vừa qua, trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, cô vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương./.

Huyền Thương

Xem thêm