Du học hệ vừa học vừa làm: Hướng mở cho giới trẻ

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, học sinh có nhiều sự lựa chọn định hướng nghề nghiệp khác nhau tuỳ thuộc vào năng lực, sở thích và điều kiện mỗi người. Học tập, làm việc trong nước hay du học, trong đó du học theo hệ vừa học vừa làm ở một số nước như Nhật Bản, Đài Loan... là hướng đi mới cho giới trẻ, trong đó có học sinh Bắc Kạn.

Sinh viên Việt Nam học Khoa Điện theo hệ vừa học vừa làm tại Học viện Kỹ thuật Lê Minh (Đài Loan).
Sinh viên Việt Nam học Khoa Điện theo hệ vừa học vừa làm tại Học viện Kỹ thuật Lê Minh (Đài Loan).

Từ năm 2019 đến nay, gần 100 học sinh của Bắc Kạn đã được xuất cảnh sang Đài Loan học tập và làm việc theo Chương trình Tân Hướng Nam- chương trình hỗ trợ đào tạo đại học chính quy hệ 4 năm theo đề án được Chính phủ Đài Loan phê duyệt cho một số trường đại học ở nước này nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chương trình này được thực hiện từ năm 2019 ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bắc Kạn.

Hà Thị Thanh Lam trú tại xã Nông Hạ (Chợ Mới) sinh năm 2002, sau khi tốt nghiệp lớp 12, em thi đỗ 2 trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên khi được Công ty Cổ phần giáo dục EZ Việt Nam có chi nhánh tại Bắc Kạn thông tin, tư vấn về chương trình du học tại Đài Loan theo hệ vừa học vừa làm, em phân vân lựa chọn giữa học đại học ở trong nước hay sang nước ngoài. Nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, Lam quyết định đi du học. Sau 2 năm học tập và làm việc Đài Loan, em cho rằng đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Lam tâm sự: "Tháng 9/2020 em chính thức được đi sang Đài Loan học tập, làm việc với chi phí thấp. Trước khi sang nước bạn, em và các bạn có 2 tháng học tiếng Trung ở Hà Nội".

Trường Lam đang học là Học viện Lê Minh thuộc thành phố Tân Bắc cách Trung tâm Đài Bắc khoảng 20 phút đi xe buýt. Lam lựa chọn khoa Nhà hàng làm ngành học của mình, bởi Đài Loan được biết là một đất nước công nghiệp phát triển trong đó nổi tiếng bởi ngành nghề chế biến thực phẩm, bánh ngọt, đồ ăn nhanh. Trường của Đài Loan quy định rất rõ việc học và làm thêm, việc làm thêm ở những địa chỉ nào do nhà trường giới thiệu. Năm thứ nhất, ngoài giờ học em và các bạn được đi làm thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật (tối đa là 20 giờ/tuần), mức làm thêm này để đảm bảo đủ chi phí trang trải học tập, ăn uống, sinh hoạt cá nhân mà không cần xin tiền của gia đình. Từ năm thứ 2 trở đi số giờ làm thêm sẽ tăng lên tối đa là 40 giờ/tuần. Cứ 4 tiếng làm việc, sinh viên được nghỉ 10-25 phút nên không bị áp lực, quá sức. Nơi Lam đang thực tập làm thêm là nhà hàng chuyên về món ăn Nhật Bản shushi. Ngoài mức lương chính, Lam còn được thưởng chuyên cần, tổng thu nhập hiện tại khoảng 26-27 triệu đồng/tháng.

Theo Lam, cái được lớn nhất thu được trong thời gian học tập và làm việc tại đây là học nghề mà mình yêu thích, được thực hành trong môi trường chuyên nghiệp và đặc biệt rất thuận lợi cho việc nâng cao trình độ tiếng Trung do tiếp xúc với người bản địa thường xuyên. Giờ đây Lam có thể giao tiếp tiếng Trung với khách hàng rất lưu loát. Hằng tháng, trừ chi phí học tập, ăn uống sinh hoạt, em còn gửi về cho gia đình trung bình 10 triệu đồng/tháng. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các lưu học sinh bên này tương đối tốt, an ninh đảm bảo, môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhà trường có trách nhiệm nên gia đình yên tâm. Lam có nguyện vọng sau khi học xong sẽ tiếp tục ở lại Đài Loan làm việc, nếu có trở về Việt Nam em cũng khá tự tin bởi trình độ tay nghề được đào tạo cũng như khả năng sử dụng tiếng Trung.

Em Hoàng Thị Phương, sinh năm 2001, dân tộc Sán Chỉ ở xã Bộc Bố (Pác Nặm), hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đều làm nông nghiệp. Tốt nghiệp lớp 12 sau 3 năm học tại Trường THPT Nội trú Bắc Kạn, ban đầu em định sang Nhật Bản học, nhưng chi phí khá cao, gia đình không đủ điều kiện nên quyết định sang Đài Loan học chương trình hệ vừa học vừa làm. Phương học Khoa Ứng dụng và quản lý mỹ phẩm của Trường Đại học Y Trung Hoa tỉnh Đài Nam (Đài Loan). Cụ thể nghề theo học là làm đẹp, trang điểm, công nghệ chế biến sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội, nước tẩy trang, sữa rửa mặt...

Ngoài giờ lên lớp, nhà trường tìm công ty để cho sinh viên vừa thực hành, vừa có thêm thu nhập. Trong suốt quá trình học bố mẹ Phương không phải chu cấp bất cứ khoản tiền nào. Nguyện vọng của Phương là muốn ở lại Đài Loan làm việc, bởi môi trường ở đây khá tốt, an ninh đảm bảo, thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam. Sinh viên muốn được ở lại làm việc phải đạt trình độ nhất định về chuyên môn cũng như tiếng Trung. Được biết, Hoàng Thị Phương là sinh viên xuất sắc vừa được nhà trường và báo chí Đài Loan vinh danh bởi chỉ trong thời gian chưa đầy 2 năm rưỡi em đã đạt được trình độ level 5 tiếng Trung - một trình độ rất cao về tiếng Trung của Đài Loan. Phương cho biết: “Bí quyết để học tốt tiếng Trung là dành thời nhiều thời gian xem phim, nghe nhạc, tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện với các bạn sinh viên Đài Loan. Hiện nay em có thể nghe, nói và hiểu 99% ngôn ngữ của người Đài Loan do môi trường học tiếng khá thuận lợi".

Đối với chị Nguyễn Thị Bảy- phụ huynh em Quản Trọng Hùng, sinh năm 2001 ở tổ 12 phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) thì việc cho con đi học ở Đài Loan là lựa chọn phù hợp. Em Hùng sang học ngành Điện được gần 3 năm, trong thời gian đó gia đình không phải chu cấp tiền. Ngoài thời gian học ở trường trong môi trường có nhiều thiết bị máy móc hiện đại, Hùng đi làm thêm vừa có kinh nghiệm, vừa học tiếng. Hiện nay em có thể sử dụng thành thạo tiếng Trung trong giao tiếp và công việc. Chị Bảy vui mừng vì con được học tập, làm việc trong môi trường tốt, phát huy tính tự lập, giúp con sớm trưởng thành. Mục đích của họ là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lành nghề làm việc cho các công ty ở Đài Loan hoặc các công ty khác tại Việt Nam.

Ông Vũ Đình Dũng- Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần EZ Việt Nam tại Bắc Kạn cho biết: Năm 2022, chỉ tiêu xét tuyển sinh viên hệ vừa học vừa làm của một số trường đại học của Đài Loan có hỗ trợ học bổng là 400 học sinh, chủ yếu ở các khoa, ngành như: Cơ khí; cơ điện, truyền thông đa phương tiện; công nghệ ô tô, điện tử, tự động hoá... Đây là cơ hội lựa chọn ngành nghề cho học sinh sinh năm 1996 đến 2004.

UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tổ chức thông tin về chương trình này đến học sinh sắp tốt nghiệp lớp 12 trong các trường THPT đảm bảo đúng quy định để học sinh được biết, lựa chọn./.

Phương Thảo

Xem thêm