Xây dựng văn hoá học đường hướng tới các giá trị “chân - thiện - mỹ”

Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Xây dựng văn hoá học đường là cơ sở, là nền tảng để đạt mục tiêu đó; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường theo hướng chân - thiện - mỹ.

Cô và trò Trường Tiểu học Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) trong một tiết học.
Cô và trò Trường Tiểu học Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) trong một tiết học.

Xác định tầm quan trọng của văn hoá học đường ngày 01/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

Chỉ thị nêu rõ trong những năm qua công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên.

Việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ. Nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn. 

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên; phát triển cho học sinh, sinh viên những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Quan tâm, bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường.Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui; chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường.

Bắc Kạn hiện có 79.000 học sinh các cấp học, bậc học, trong đó có có trên 4.500 đoàn viên, thanh niên và gần 23.000 thiếu niên, nhi đồng đang sinh hoạt trong các tổ chức Đoàn, Hội, Đội nhà trường. Từ năm 2019 đến nay ngành Giáo dục đã chỉ đạo các phòng giáo dục, nhà trường triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học đến năm 2025”. Theo đó các trường học đã xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hoá ứng xử trong trường học ở các cấp học, bậc học. Nâng cao năng lực ứng xử văn hoá và năng lực giáo dục văn hoá ứng xử. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hoá ứng xử.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác giáo dục, tạo môi trường văn hoá, xây dựng mối quan hệ tôn sư trọng đạo giữa thầy và trò; tình cảm đoàn kết, gắn bó, chia sẻ giữa các học sinh với nhau, còn có tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở một số nơi, điều này gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục trong các nhà trường. Để chấn chỉnh, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra, ngành GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trường học về công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh các cấp học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh gắn với việc triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường trong công tác quản lý và giáo dục học sinh. Thường xuyên kịp thời thăm nắm tình hình thông qua các kênh thông tin từ phía gia đình, giáo viên chủ nhiệm lớp và các học sinh. Chủ động phối hợp với gia đình và các lực lượng chức năng, chính quyền, địa phương để quản lý, giáo dục học sinh trong thời gian ngoài trường học. Tuyên truyền, giáo dục về việc sử dụng mạng an toàn, lành mạnh, tránh để xảy ra những mâu thuẫn trong học sinh.../.

Phương Thảo

Xem thêm