Ngành Giáo dục và Đào tạo không ngừng đổi mới, giành nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ  

Đoàn Văn Hương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo

Kể từ năm 1957, ngày 20/11 hằng năm đã trở thành Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo. Ở Việt Nam, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vị trí, vai trò của giáo dục trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ trí thức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học sinh Trường THCS Bắc Kạn tặng hoa, tri ân các thầy cô giáo nhân Ngày Hiến chương nhà giáo
Học sinh Trường THCS Bắc Kạn tặng hoa, tri ân các thầy cô giáo kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

40 năm qua, ngày 20/11 hằng năm là ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam và là ngày cả xã hội thể hiện tình cảm, tấm lòng trân trọng, tri ân đối với đội ngũ các thầy giáo, cô giáo vì những đóng góp to lớn của họ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy và làm giàu thêm truyền thống vẻ vang của nhà giáo Việt Nam, nhận thức được trọng trách xã hội nặng nề nhưng cao cả của người thầy giáo, dưới sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, cùng với sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, sự ủng hộ của Nhân dân các dân tộc, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh không ngừng được quan tâm đầu tư. Đến nay, mạng lưới trường, lớp học từng bước được sắp xếp tinh gọn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Công tác quản lý giáo dục không ngừng được đổi mới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục; tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã số hóa toàn bộ dữ liệu hồ sơ học sinh, giáo viên trên hệ thống vnEdu; 100% các trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, sổ đăng bộ; phần mềm hỗ trợ kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá trường chuẩn quốc gia; phần mềm quản lý thư viện; hệ thống quản lý sổ kế hoạch cho bậc học mầm non; ứng dụng trên điện thoại thông minh (vnEdu Teacher) cho giáo viên và ứng dụng sổ liên lạc điện tử cho học sinh và phụ huynh học sinh (vnEdu connect); hệ thống lịch công tác trực tuyến; triển khai đăng ký tuyển sinh đầu cấp hoàn toàn trực tuyến, đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học trực tuyến…

Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được chú trọng, chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.500 nhà giáo. Đại bộ phận các nhà giáo có phẩm chất chính trị vững vàng, tâm huyết với nghề, tích cực tự học, tự nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong giảng dạy, hăng hái thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tất cả vì học sinh thân yêu.

Trong hai năm học gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được một số kết quả nổi bật, trong đó: chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, hằng năm trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục tốt, 100% trẻ hoàn thành chương trình giáo dục theo độ tuổi; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi các cấp học năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ học lực yếu, kém giảm đáng kể; số lượng và chất lượng các giải đạt được trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia cũng được nâng lên. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm trên địa bàn tỉnh được tổ chức an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 95% trở lên, vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao (giao đạt trên 90%). Trong đó, năm 2022 học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 97,66%; trung bình điểm thi tốt nghiệp là 6,225 điểm, xếp thứ 39/63 tỉnh/thành phố. Việc tổ chức thực hiện dạy học theo Chương trình GDPT 2018 được thực hiện theo đúng lộ trình, đảm bảo nghiêm túc, có nền nếp và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Cô và trò ở phân trường vùng cao huyện Ba Bể
Cô và trò ở điểm trường vùng cao huyện Ba Bể.

Công tác PCGD, xóa mù chữ của tỉnh tiếp tục được củng cố và nâng cao. Kết quả năm 2021: Tỉnh tiếp tục duy trì đạt chuẩn PCGDMNTNT, duy trì đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, duy trì đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1 và duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Trong năm học 2022-2023, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chủ đề là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, hình thành lớp thanh niên có năng lực công dân mới, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Xem thêm