Nông sản Bắc Kạn trên Sàn thương mại điện tử 

Tỉnh Bắc Kạn vừa phối với Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam ký kết hợp tác triển khai Sàn thương mại điện tử. Đây là cơ hội đưa sản phẩm OCOP, nông sản của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị đến Bắc Kạn nhận chuyển giao trồng và chế biến dong riềng.
Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị đến Bắc Kạn nhận chuyển giao trồng và chế biến dong riềng.

Ngay sau khi ký kết hợp tác, Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam đã đưa Sàn giao dịch thương mại điện tử vào hoạt động. Việc này giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tỉnh Bắc Kạn có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phát triển, thu hút đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động thương mại. Ngay từ thời điểm này, doanh nghiệp, khách hàng đã có thể bước đầu sử dụng các dịch vụ tại Sàn giao dịch thương mại điện tử Bắc Kạn tại địa chỉ backanmarket.vn. Trong 1 năm đầu, các giao dịch trên Sàn sẽ được miễn phí hoàn toàn với mục tiêu giúp người dân, doanh nghiệp từng bước làm quen với ứng dụng mới.

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành phương thức giao dịch quen thuộc và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Với Bắc Kạn, đây là cơ hội phát triển sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm đã chính thức có trên Sàn thương mại điện tử của tỉnh nhà. Sàn TMĐT đối với các sản phẩm nông nghiệp đang có sức thu hút mạnh mẽ, trở thành hướng đi giúp nông sản của Bắc Kạn dần được nâng tầm giá trị. Những năm gần đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Ngoài việc củng cố chất lượng sản phẩm, thì phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng cần được chú trọng, thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Và sàn TMĐT hiện đang là sự lựa chọn hợp lý cho việc phát triển và nâng tầm giá trị nông sản, từng bước cạnh tranh với nông sản ngoại nhập.

Ông Trần Ngọc Quang- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kan đánh giá: Việc tỉnh có Sàn giao dịch thương mại điện tử mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa ra các thị trường trong nước và quốc tế. Các HTX có chuỗi sản xuất và chế biến sẽ có thị trường lớn, thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác. Sàn sẽ không giới hạn về quảng bá và hình ảnh của các sản phẩm, người bán hàng tự chủ động đưa sản phẩm và thương hiệu của mình lên Sàn. Người mua và người bán sẽ tự giao dịch qua các lệnh, qua các đơn hàng, tiền cũng được thanh toán qua tài khoản, hạn chế thấp nhất dùng tiền mặt

Từ website TMĐT của tỉnh hiện nay,  người tiêu dùng dễ dàng mua các sản phẩm nông nghiệp bằng phương thức trực tuyến. Đồng thời, yên tâm hơn khi mua sản phẩm qua mạng, bởi các loại sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Bắc Kạn hiện có 131 sản phẩm OCOP, trong đó 13 sản phẩm đã đạt chứng nhận 4 sao. Việc triển khai Sàn thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng quảng bá và phân phối các sản phẩm, quản lý tốt thông tin dịch vụ và giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sàn thương mại điện tử cũng sẽ cung cấp thông tin kết nối các hệ thống hỗ trợ thủ tục hành chính nhằm giúp các hợp tác xã và hộ kinh doanh nông nghiệp tiếp cận, khai thác hiệu quả của thương mại điện tử.

Ông Hà Văn Cường- Giám đốc Công ty CP Nông sản Bắc Kạn chia sẻ niềm vui khi tỉnh nhà có sàn thương mại điện tử: "Hiện nay Công ty chúng tôi có 15 sản phẩm chế biến từ củ nghệ nếp Bắc Kạn đã được cấp phép sản xuất, đang bán tại thị trường. Từ nay chúng tôi giao dịch thương mại sẽ rất thuận tiện, việc quảng bá sản phẩm đến các sàn giao dịch khác, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng dễ dàng hơn, thay vì trước đây bán hàng trên Facebook. Sàn thương mại điện tử không chỉ là cơ hội phát triển cho chúng tôi mà còn cho tất cả các sản phẩm nông sản khác của tỉnh Bắc Kạn".

Có thể thấy, việc đưa sản phẩm lên Sàn TMĐT là một trong những hướng đi mới, đúng đắn cho nông sản của địa phương. Đây cũng là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước đang ngày càng đòi hỏi khắt khe./.

Trần Tuyến

Xem thêm