Ngân Sơn chú trọng phát triển thủy sản

Phát huy lợi thế về diện tích mặt nước, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngân Sơn đã mở rộng và khai thác hiệu quả nghề nuôi thủy sản, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Anh Hoàn Văn Quyến lấy thân, lá chuối làm thức ăn cho cá.
Anh Hoàn Văn Quyến lấy thân, lá chuối làm thức ăn cho cá.

Thị trấn Nà Phặc có diện tích nuôi thủy sản hơn 24ha, người dân tận dụng nguồn nước từ các khe đồi để đắp ao hay dành một phần ruộng làm ao… Không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày, nhiều hộ đã chú trọng chăm sóc và mở rộng diện tích để tăng sản lượng, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Đơn cử như hộ anh Hoàng Văn Quyến, tổ dân phố Công Quản nuôi cá khoảng chục năm nay với diện tích hơn 3.000m2, chia thành các ao nhỏ nuôi gối để đảm bảo lúc nào cũng có cá xuất bán. Anh Quyến cho biết: "Để có nguồn thức ăn cho cá, tôi trồng cỏ voi, chuối xung quanh bờ ao và bổ sung thêm bột ngô. Gia đình tôi nuôi cá chép, trắm, rô phi đơn tính và bán tại các chợ phiên lân cận, cá to thì giao cho nhà hàng nên về cơ bản không khó khăn đầu ra. Nhờ nuôi cá, mỗi năm gia đình tôi có thêm thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng. Nuôi cá không khó nhưng cũng có nhiều điểm lưu ý như sau khi tháo ao thì phơi cho đất lòng ao khô nứt để hạn chế bệnh cho lứa cá tiếp theo, nguồn nước chảy ra, vào ao thường xuyên...".

Triển khai xây dựng sản phẩm theo chuỗi giá trị, năm 2020 xã Hiệp Lực hỗ trợ thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Bó Lếch với 8 thành viên, ngành nghề chính là nuôi thủy sản. Ngoài diện tích ao sẵn có của các thành viên, Hợp tác xã thuê hơn 4ha diện tích ao do xã quản lý để nuôi cá. Nhằm khuyến khích, tạo nguồn vốn đầu tư ban đầu cho Hợp tác xã, năm 2020 xã Hiệp Lực sử dụng 450 triệu đồng nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho cá, mua giống, thức ăn… Ngoài ra, Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) đã hỗ trợ thành lập 02 nhóm sở thích chăn nuôi cá trên địa bàn xã.

Đồng chí Long Minh Giám- Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết: Xã có hơn 15ha diện tích ao hồ lớn, đây là tiềm năng để phát triển nuôi thủy sản. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ duy trì và phát triển nghề chăn nuôi và dịch vụ thủy sản. Chú trọng tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, nâng cao năng suất, quy hoạch lại đồng ruộng đảm bảo phát triển thủy sản theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả.

Đến nay, huyện Ngân Sơn có tổng diện tích nuôi thủy sản hơn 76ha, trong đó ao nuôi trên 66ha, ruộng trồng lúa kết hợp nuôi cá 10ha. Tuy nhiên, phát triển thủy sản ở Ngân Sơn vẫn còn những hạn chế như: Một số xã chưa thực sự chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; mật độ nuôi, các loại giống chưa hợp lý, phần lớn là nuôi theo kinh nghiệm; thiếu liên kết theo chuỗi giá trị; thời tiết bất lợi như mưa lũ thường xuyên xảy ra gây thiệt hại diện tích nuôi thủy sản…

Để khai thác hiệu quả thế mạnh thủy sản ở Ngân Sơn, phấn đấu trở thành “đòn bẩy” giúp người dân thoát nghèo, huyện cần có chính sách hỗ trợ, phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng. Triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ để thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vùng nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản của địa phương, tạo đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế cao.../.

Hà Nhung

Xem thêm