Áp lực từ các hồ chứa thải công nghiệp ở Chợ Đồn

Hiện trên địa bàn huyện Chợ Đồn có nhiều hồ chứa thải của các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản. Hầu hết các hồ chứa nằm ở vị trí cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, nhất là vào mùa mưa bão. Điều này đòi hỏi địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn hồ chứa.

Áp lực từ các hồ chứa thải công nghiệp ở Chợ Đồn ảnh 1
Hồ chứa thải của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn tại Lủng Váng, xã Bằng Lãng.

Trên địa bàn huyện Chợ Đồn hiện có 6 đơn vị sản xuất, chế biến khoáng sản có hồ chứa nước thải, đó là: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam, Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico, Công ty Cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ Matexim, Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn. Đa số các mỏ khai thác khoáng sản, chế biến có bể chứa quặng, hồ chứa chất thải nằm ở vị trí cao nên vào mùa mưa, nguy cơ sạt lở tràn vào khu vực nhà dân và đất canh tác của người dân rất lớn. Để đảm bảo an toàn hồ chứa, ngay từ đầu năm, UBND huyện Chợ Đồn đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản phải kiểm tra gia cố bờ đập, nạo vét bùn thải trong hồ. Trong quá trình kiểm tra, rà soát thực tế, UBND huyện cũng yêu cầu đơn vị khắc phục ngay những tồn tại, bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát các bãi đất đá thải, hồ chứa nước, bùn thải 24/24 giờ, đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ, chủ động xử lý những sự cố nếu xảy ra.

Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn hiện sử dụng 3 hồ chứa thải tại xã Bằng Lãng, mỗi năm 3 hồ này tiếp nhận khoảng 81.600m3 chất thải từ các hoạt động khai thác và chế biến. Sau nhiều năm, các hồ đều đã chứa đầy bùn thải, nguy cơ tràn ra đường, xuống các khu vực sinh sống của các khu dân cư rất cao. Hiện nay, Công ty đã tìm hướng khắc phục tạm thời, đồng thời có kế hoạch mở rộng hồ chứa thải để đảm bảo cho quá trình sản xuất thời gian tới.

Ông Đinh Văn Hiến- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn cho biết: "Các hồ chứa thải hiện đang chịu nhiều áp lực lớn bởi khối lượng chất thải ngày một đầy lên, để giải quyết vấn đề này, trước mắt chúng tôi đã tiến hành gia cố, lu lèn, cắt tầng toàn bộ thân đập. Còn về lâu dài, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan tiến hành khảo sát tìm địa điểm đổ thải mới, đồng thời lập dự án để trình các cấp, ngành liên quan chấp thuận khu đổ thải mới".

Hay như Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn cũng là một trong những đơn vị có khối lượng chất thải mỗi năm tương đối lớn, đặc biệt là lượng quặng đuôi cần được xử lý đang ngày một tăng. Trước đề xuất của Công ty, mới đây UBND tỉnh đã chấp thuận khu vực bãi chứa quặng đuôi diện tích 5,5ha, quy mô dung tích bãi chứa là 412.048m3. Việc đầu tư xây dựng bãi chứa mới sẽ góp phần đảm bảo công tác chứa quặng đuôi sau khi tuyển, cũng như đảm bảo ổn định sản xuất tuyển quặng trong khoảng 7 năm tới, góp phần vào hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh chung của Công ty.

Đồng chí Triệu Huy Chung- Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: "Hầu hết các công ty khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn đều đã có thời gian hoạt động tương đối dài, vì vậy áp lực tìm nơi đổ thải đang là vấn đề đặt ra rất lớn cho doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương. Để tìm vị trí làm bãi, hồ chứa thải không hề dễ dàng gì vì còn liên quan đến quỹ đất, rừng đầu nguồn, môi trường dân cư... Hiện tại, một số đơn vị đang thực sự rất khó khăn trong việc tìm nơi làm hồ chứa chất thải mới. Về lâu dài, địa phương cùng với tỉnh đang có ý tưởng quy hoạch một bãi đổ thải mới cho tất cả các mỏ trên địa bàn nhưng vấn đề này vẫn còn phải nghiên cứu, tính toán".

Quá trình khai thác, chế biến khoáng sản đi đôi với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hết sức cần thiết hiện nay.  Do vậy, việc tính toán, xây dựng các bể chứa chất thải là yếu tố quan trọng, không chỉ góp phần an toàn cho môi trường mà còn đảm bảo tính lâu dài cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương những năm tiếp theo./.

Thu Trang

Xem thêm