Khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ

Kỳ II: Quyết tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Nhận thấy được tiềm năng, lợi thế và những khó khăn đan xen trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai thực hiện "Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030" với quyết tâm cao.

Mô hình trồng nho Hạ Đen theo hướng an toàn VSTP tại xã Thượng Quan (Ngân Sơn).
Mô hình trồng nho Hạ Đen gắn với trải nghiệm sinh thái tại xã Thượng Quan (Ngân Sơn).

Xác định rõ mục tiêu

Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phù hợp với “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ”; phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống của người dân.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ toàn tỉnh đạt khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn quả (mơ, hồng không hạt), dong riềng, chè, nghệ, hồi, quế, dược liệu... Cụ thể, quy mô vùng lúa hữu cơ 100ha; vùng nghệ hữu cơ 45ha; vùng cây dong riềng 70ha; vùng chè Shan tuyết hữu cơ 80ha; vùng hồng không hạt hữu cơ 80ha; vùng mơ hữu cơ 135ha; vùng hồi hữu cơ 250ha; vùng quế hữu cơ 250ha, vùng dược liệu hữu cơ 50ha… 

Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 0,5% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh. Cụ thể: Chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) với quy mô đàn trâu, bò 800 con, sản lượng 56 tấn thịt hơi; đàn lợn 600 con, sản lượng 60 tấn thịt hơi.

Thực hiện 05-10 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; làm cơ sở bổ sung, xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất áp dụng trên địa bàn tỉnh trên cơ sở các quy chuẩn quốc gia về sản xuất hữu cơ.

Định hướng tới năm 2030, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5% diện tích đất trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh như lúa, cây ăn quả mơ, hồng không hạt, dong riềng, chè, nghệ, hồi, quế, dược liệu... đều tăng so với năm 2025. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-1,5% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh; 80% sản phẩm OCOP liên quan đến trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ; duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; tổ chức các chuỗi sản xuất liên kết theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Sản phẩm ưu tiên để phát triển sản xuất hữu cơ là các sản phẩm nằm trong danh mục nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh. Trong đó, sản phẩm trồng trọt gồm: Lúa, cây ăn quả (hồng không hạt, mơ…), củ dong riềng, nghệ, chè Shan tuyết... Sản phẩm lâm nghiệp gồm: Hồi, quế, dược liệu. Sản phẩm chăn nuôi gồm: Chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), chăn nuôi lợn.

Tập trung các nguồn lực để thực hiện

Để đạt mục tiêu, UBND tỉnh đã xây dựng các giải pháp thiết thực. Cụ thể như: Xây dựng vùng canh tác nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, tập quán canh tác, trình độ thâm canh hiện có để bố trí ưu tiên thực hiện đối với từng loại sản phẩm. Chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ quản lý từ tỉnh đến cơ sở; tập huấn kỹ thuật, phổ biến, cập nhật các quy định, tiêu chuẩn hiện hành về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình trình diễn trong vùng sản xuất định hướng phát triển hữu cơ theo chuỗi liên kết.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về kế hoạch bảo vệ, phát triển vùng canh tác hữu cơ và kết quả đạt được nhằm mở rộng diện tích, quy mô thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ; tổ chức hội thảo liên kết doanh nghiệp nhằm mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh tuyên truyền trong 05 năm thực hiện Kế hoạch… Phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch nông nghiệp như: Du lịch trải nghiệm vùng trồng hồng không hạt tại xã Quảng Khê (Ba Bể) gắn với tuyến du lịch hồ Ba Bể; vùng sản xuất chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) gắn với tham quan rừng đặc dụng...

Lựa chọn thực hiện hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, sinh học và thuốc BVTV sinh học, thảo mộc phục vụ sản xuất hữu cơ. Quản lý chặt chẽ vật tư sử dụng trong sản xuất hữu cơ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản, chất phụ gia, thức ăn chăn nuôi; nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ như nước tưới cho trồng trọt, nuôi thủy sản.

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nhãn hiệu nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo minh bạch thị trường, tránh trà trộn sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Xây dựng các kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo hướng chất lượng cao; đưa vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc, cửa hàng an toàn thực phẩm, nhà hàng phục vụ khách du lịch và từng bước định hướng xuất khẩu.

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn của Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2030 là trên 51 tỷ đồng. Trước mắt, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25,43 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước cấp bình quân 585 triệu đồng/năm; ngân sách cấp huyện bình quân 730 triệu đồng/năm; còn lại huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trên 18,8 tỷ đồng. Xác định vốn trong các chủ thể đầu tư là chính (các hộ gia đình, góp vốn thành lập DN/HTX). Ngoài ra, tập trung các nguồn vốn hỗ trợ khác từ ngân sách tỉnh, huyện, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng...

Xác định khởi đầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách, nhưng trước xu thế tất yếu của thị trường, tỉnh ta quyết tâm triển khai thực hiện Kế hoạch với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Hy vọng, các cấp, ngành chức năng, nhất là các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất đồng thuận ủng hộ, tích cực thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, để từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, hướng tới xuất khẩu./.

Phan Quý

Xem thêm