Kinh tế tập thể - 20 năm nhìn lại

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) sau 20 năm (2002 - 2021) phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương đã đi vào đời sống Nhân dân, tạo chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị tổng kết Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị tổng kết Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.

Giai đoạn 2002 - 2012, hoạt động của HTX vẫn theo lối tư duy cũ, do vậy nhận thức của các cấp, ngành và Nhân dân về đường lối quan điểm phát triển kinh tế tập thể vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Từ năm 2010 đến nay, các báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X, XI, XII của tỉnh đều khẳng định việc khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX là rất quan trọng. Vì thế với từng nghị quyết, đại hội đã đưa ra các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX. Luật HTX năm 2012, cùng với đó là các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, đề án... về  hỗ trợ, ưu tiên về vốn, đất đai, thuế, phí.... đã tạo điều kiện thuận lợi để HTX đẩy mạnh phát triển đi vào chiều sâu, bền vững.

Hiện toàn tỉnh có 297 HTX, 01 Liên hiệp HTX, 369 tổ hợp tác, 08 trang trại. Tổng vốn điều lệ 302,4 tỷ đồng; 2.450 thành viên; doanh thu trung bình đạt 650 triệu đồng/HTX/năm. Đội ngũ cán bộ HTX cơ bản được đào tạo, có trình độ từ trung cấp trở lên, đáp ứng yêu cầu quản trị HTX sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động của các HTX khá đa dạng ở hầu hết lĩnh vực phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ như quản lý chợ, vệ sinh môi trường, san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình nhỏ tại địa phương... Điển hình là mô hình các HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các HTX sản xuất, chế biến nông sản theo chuỗi như HTX Nông nghiệp Tân Thành, sản xuất tinh bột nghệ; HTX Tài Hoan sản xuất miến dong; HTX chè Mỹ Phương, sản xuất chè an toàn; HTX nông nghiệp Dương Phong, sản phẩm cam, quýt; HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, sản phẩm là nấm ăn các loại; HTX nông nghiệp Trần Phú, sản phẩm là gà, lợn sạch... Thông qua Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã có 131 sản phẩm nông sản của các HTX đạt tiêu chuẩn OCOP, xếp hạng từ 3 đến 5 sao. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Tài Hoan đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Các HTX đều ứng dựng công nghệ số để bán sản phẩm thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook; qua các sàn thương mại điện tử, các siêu thị tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cùng với đó, nhiều HTX đã triển khai dịch vụ cung ứng cho thành viên như cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Thành Đạt, HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX Nông nghiệp Dương Phong, HTX chè Mỹ Phương... đã cung cấp tới 5 dịch vụ cho thành viên. Ngoài ra, 28 HTX thực hiện khâu bao tiêu sản phẩm nông sản như củ dong, củ nghệ, gạo Bao thai, gạo Khẩu Nua Lếch, cây ăn quả cam, quýt, hồng không hạt... Hầu hết các sản phẩm OCOP có nhãn mác, bao bì, đảm bảo vệ sinh ATTP, có truy xuất nguồn gốc. Các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm đã đầu tư máy móc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức kinh tế khác trưng bày các sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Trong đó, nhóm sản phẩm chế biến miến dong, gạo, chè, cam, quýt, phở khô, măng khô, tinh dầu sả, hồi... lượng hàng hóa được tiêu thụ ổn định, thương hiệu ngày càng vươn xa trên thị trường.

Miến dong Tài Hoan xuất khẩu sang châu Âu.
Miến dong Tài Hoan xuất khẩu sang châu Âu.

Không những thế, nhiều HTX sản xuất, kinh doanh về y dược cũng đã được thành lập hoạt động khá hiệu quả. Cụ thể như HTX Đông Nam Dược chuyên trồng dược liệu; HTX Fresh Oil sản xuất tinh dầu sả, hồi; HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu... đã tạo được sự đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Các HTX thực sự thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, thành nguồn lực góp phần phát triển ngành nghề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chuyên nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HTX vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ với nhiều khó khăn. Cụ thể, vốn tài sản nhỏ, nội dung hoạt động còn đơn điệu, thiếu bền vững, độ tăng trưởng của khu vực kinh tế còn thấp; chưa khai thác hết năng lực nội tại của các thành viên cả về vốn và cơ sở vật chất. Nguồn nhân lực, trình độ quản lý còn yếu, nhiều máy móc thiết bị thô sơ, lạc hậu, năng suất chất lượng sản phẩm thấp. Mẫu mã đơn điệu, sức cạnh tranh kém dẫn đến hiệu quả hoạt động của nhiều HTX còn thấp, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao, chưa thiết thực. Một số HTX sản xuất có lãi nhưng chưa nhiều phần lớn chỉ đủ trang trải các khoản chi phí, không đủ để trích cho các quỹ và tích luỹ mở rộng hoạt động.

Mặc dù đã được tỉnh hỗ trợ thuê cán bộ có chuyên môn làm việc trong HTX nhưng lại thiếu cơ sở vật chất để làm việc; vốn điều lệ đăng ký khá cao nhưng thực tế vốn tiền mặt ít (do các thành viên HTX đóng góp bằng tài sản như đất rừng, đất vườn...), việc đóng góp vốn của thành viên còn hạn chế... 

Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Trung ương Đảng về kinh tế tập thể và 10 năm thực hiện Luật HTX kiểu mới, kinh tế tập thể ở tỉnh Bắc Kạn đã có bước phát triển nhanh, từng bước đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên. Hầu hết các HTX được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng của các thành viên, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

  Phan Quý

Xem thêm