Mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn kịp thời triển khai và chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện các cơ chế, chính sách theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNNVN, của tỉnh. Nhờ đó, hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, huy động vốn tiếp tục tăng trưởng.

Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh tiếp tục triển khai gói tín dụng tiêu dùng xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày.
Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh tiếp tục triển khai gói tín dụng tiêu dùng xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày.

Nhằm thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả, bền vững, đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung cho vay những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD thực hiện công khai quy trình, thủ tục cho vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo báo cáo, tổng dư nợ cấp tín dụng đến 30/9/2021 ước đạt 10.364 tỷ đồng, tăng 6,3% so với 31/12/2020, trong đó: Dư nợ cho vay 10.174 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp 190 tỷ đồng. Dư nợ ngắn hạn ước đạt 2.136 tỷ đồng, chiếm 20,6% trong tổng dư nợ, tăng 7,4% so với cuối năm 2020. Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 8.228 tỷ đồng, chiếm 79,4% trong tổng dư nợ, tăng 6% so với cuối năm 2020. Ước tính nợ xấu đến 30/9/2021 là 46 tỷ đồng, chiếm 0,4% trong tổng dư nợ, giảm 4,2% so với cuối năm 2020. Các ngân hàng tiếp tục chấp hành quy chế cho vay, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, nâng cao chất lượng thẩm định; chấn chỉnh những sai sót sau thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; rà soát, đánh giá lại nợ xấu, đánh giá tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của khách hàng, xây dựng phương án xử lý nợ xấu phù hợp; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro.

Thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, thanh niên theo chỉ đạo của UBND tỉnh; rà soát khó khăn, vướng mắc đối với 13 dự án ngoài ngân sách của tỉnh; rà soát, báo cáo tình hình tiếp cận khách hàng và hoạt động cấp tín dụng đối với một số dự án đã hoàn thành, đang đầu tư, chậm tiến độ hoặc dừng hoạt động...

Tiếp tục duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch; trả lời kiến nghị của Hiệp hội Du lịch tỉnh về việc tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ đạo các TCTD triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch, thực hiện Công điện số 01/CĐ-NHNN ngày 18/7/2021 của NHNNVN; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi... Thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi: 9 tháng đầu năm 2021, hỗ trợ 0,65 tỷ đồng cho 09 khách hàng bị thiệt hại do dịch.

Đến ngày 31/8/2021, có 14 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ gốc là 61,9 tỷ đồng và số tiền lãi được cơ cấu là 11,74 tỷ đồng; 01 khách hàng được miễn, giảm lãi với số dư nợ 32,21 tỷ đồng; 618 khách hàng được cho vay mới với lãi suất ưu đãi, tổng dư nợ đạt 1.805 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng CSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 1.912 khách hàng với dư nợ 56,6 tỷ đồng và cho vay mới 27.036 khách hàng với số tiền 1.243 tỷ đồng từ ngày 23/01/2020 đến 31/8/2021. Đến 31/8/2021, giải ngân cho 03 người sử dụng lao động với 41 lao động, số tiền 132 triệu đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; giải ngân cho 04 doanh nghiệp với 19 lao động, tổng số tiền là 92 triệu đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP.

Đồng thời, các chi nhánh TCTD tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng góp phần hạn chế tín dụng đen trên địa bàn. Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tiếp tục triển khai gói tín dụng tiêu dùng xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày đối với hồ sơ hợp lệ, mức tối đa 30 triệu đồng/khách hàng, cho vay thông qua Hội Nông dân theo quy chế được ký kết; Chi nhánh Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt triển khai gói tín dụng “Cho vay cán bộ, công chức, viên chức - đẩy lùi tín dụng đen” và “Cho vay qua tổ liên kết”; Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng còn hạn chế do khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng thiếu dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả hoặc không đáp ứng được các điều kiện vay vốn như tài sản đảm bảo, hạn chế về năng lực tài chính, quản trị điều hành, thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Đồng chí Đoàn Thị Hạnh- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Những tháng cuối năm, ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc mở rộng tín dụng phải đảm bảo khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn và tuân thủ pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng, hạn chế tối đa gia tăng nợ xấu. Áp dụng việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để ngăn ngừa các rủi ro, sai phạm phát sinh trong nội bộ./.

Lưu Bích

Xem thêm