Nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn

Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh luôn quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất.

Tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH để đưa nguồn vốn tín dụng đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng số 1.596 tổ TK&VV. Trong đó có 1.298 tổ hoạt động tốt; 227 tổ hoạt động khá; 60 tổ hoạt động trung bình; 11 tổ hoạt động yếu, kém. Hầu hết các tổ TK&VV thực hiện việc bình xét cho vay đúng đối tượng. Các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả của nguồn vốn ưu đãi.

9 tháng năm 2021, NHCSXH cho vay tổng số tiền 630.714 triệu đồng, với 13.125 hộ vay vốn. Trong đó, tập trung giải ngân một số chương trình như: Cho vay hộ nghèo 146.822 triệu đồng, 2.703 hộ vay; cho vay hộ cận nghèo 125.199 triệu đồng, 1.838 hộ vay; cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 188.657 triệu đồng, 4.111 hộ vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 51.831 triệu đồng, 2.696 hộ vay; cho vay giải quyết việc làm 47.872 triệu đồng, 977 hộ vay; giúp 41 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng và cải tạo 5.289 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; tạo việc làm cho 977 lao động từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; 165 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Để nâng cao chất lượng các tổ TK&VV, phòng giao dịch các huyện, thành phố đã tập trung phối hợp với UBND các xã, phường, các tổ chức Hội nhận ủy thác lựa chọn các tổ trưởng có năng lực, nhiệt tình. Anh Hoàng Văn Tống- Tổ trưởng Tổ TK&VV, thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) cho biết: “Là tổ trưởng tổ TK&VV của thôn, tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ sự trông đợi của những hộ khó khăn vào đồng vốn vay. Vì thế, sau khi hướng dẫn các hộ tiếp cận nguồn vốn, tôi tích cực tuyên truyền, hướng dẫn họ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay toàn thôn có 38 hộ được vay với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay chủ yếu phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả, điển hình như: Chị Lường Thị Huyền vay 50 triệu đồng để trồng cây ăn quả; chị Hoàng Thị Tầm vay 70 triệu đồng để phát triển chăn nuôi trâu, bò…".

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của tổ TK&VV hiện nay vẫn chưa ổn định. Tổ hoạt động tốt giảm, tổ hoạt trung bình, yếu kém tăng so với đầu năm. Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại một số xã chưa thực hiện nghiêm túc việc giám sát phiên giao dịch, hoạt động giao dịch của NHCSXH và tham dự giao ban tại điểm giao dịch; chưa kiểm tra, hướng dẫn ghi chép Bảng kê 13/TD của từng tổ trưởng tổ TK&VV; chưa hướng dẫn tổ trưởng tổ TK&VV, tổ viên sắp xếp, phân loại tiền và lập bảng kê các loại tiền nộp trước khi giao dịch.

Đồng chí Hà Sỹ Côn- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NHCSXH tỉnh cho biết: Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đề nghị, chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh cần rà soát lại các tổ TK&VV, phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng các tổ TK&VV, các hội đoàn thể để nâng cao chất lượng tín dụng. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền và phối hợp thực hiện giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 theo quy định. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã, chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của tổ TK&VV. Chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp thực hiện hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn và tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng theo mục tiêu đề ra. Tập trung rà soát nhu cầu vay vốn, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đảm bảo các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách.

Bằng những biện pháp tích cực nhằm đưa hoạt động của các tổ TK và VV ngày càng đi vào nền nếp, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động của Ngân hàng CSXH, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, tạo tiền đề cũng như động lực giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển và hạn chế hoạt động tín dụng đen./.

Bích Ngọc

Xem thêm