Thương mại - dịch vụ đóng góp tích cực giảm hộ nghèo ở thành phố

Xác định, để xóa nghèo bền vững thì thương mại - dịch vụ là một trong những mục tiêu chủ yếu, vì vậy TP. Bắc Kạn luôn quan tâm việc quy hoạch, thu hút đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...

Đồng chí Nông Viết Vỹ- Chủ tịch UBND phường Đức Xuân cho biết: Trên địa bàn phường hiện nay chỉ còn 19 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Để đạt được kết quả tích cực này phần lớn nhờ những năm trở lại đây các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển. Đến năm 2020, toàn phường có gần 880 hộ kinh doanh, tăng trên 200 hộ so với năm 2015; hơn 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ; hơn 50 công ty TNHH; 60 công ty cổ phần tư nhân; gần 20 cơ sở lưu trú kinh doanh dịch vụ... 5 năm qua, thu ngân sách của phường tăng trên 200% so với năm 2015. Trong 9 tháng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số hộ kinh doanh, dịch vụ của địa phương còn hơn 760 hộ, giảm so hơn 100 hộ so với cuối năm 2020. Đức Xuân đã và đang phấn đấu thương mại - dịch vụ trong năm 2021 chiếm 78%; thu ngân sách đạt trên 9 tỷ đồng...

Kinh doanh thương mại, dịch vụ đã góp phần không nhỏ vào tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân thành phố Bắc Kạn
Thương mại, dịch vụ góp phần không nhỏ vào tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân thành phố Bắc Kạn.

Để phát triển thương mại - dịch vụ, hằng năm thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cấp các chợ; kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các chợ nhằm phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ. Do đó, mức thu nhập của người dân trong 5 năm qua tăng đáng kể, từ 33 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 50 triệu đồng/người/năm (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo từ đó cũng giảm nhanh, từ 2,9% năm 2016 xuống còn 1,68% năm 2020.

Hệ thống các chợ trên địa bàn thành phố được đầu tư phát triển, hiện nay, thành phố có 03 chợ: 01 chợ loại 1 (chợ Bắc Kạn); 01 chợ loại 2 (chợ Đức Xuân), 01 chợ loại 3 (chợ Nguyễn Thị Minh Khai); có 02 siêu thị và 01 trung tâm thương mại Vincom. Bên cạnh đó còn có hoạt động các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và các loại dịch vụ cũng tiếp tục phát triển. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có mức tăng trưởng khá và ổn định, trên địa bàn thành phố có 09 doanh nghiệp tập trung chủ yếu sản xuất gạch, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, gia công cơ khí và hơn 440 cơ sở, hộ sản xuất cá thể. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 2010) năm qua ước đạt trên 460 tỷ đồng.

Theo đánh giá của thành phố Bắc Kạn, trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song tình hình sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn tiếp tục phát triển, giá cả các mặt hàng ổn định; các địa điểm kinh doanh tập trung như: Siêu thị Vincom, BK Mart, cửa hàng tiện lợi; các chợ: Đức Xuân, Minh Khai, điểm mua bán Quang Sơn... tiếp tục khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Tổng số hộ sản xuất kinh doanh hiện nay là hơn 3.750 hộ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng của năm ước đạt khoảng 2.404 tỷ đồng, tăng 16,24% so cùng kỳ năm trước và đạt 73,96% so kế hoạch năm.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm công tác phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện cho một số loại hình sản xuất, kinh doanh khác phát triển, coi đây là giải pháp giải quyết việc làm cũng như để tăng nguồn thu cho người dân. Tiếp tục phát huy hiệu quả khai thác của các chợ, các điểm mua bán tập trung trên địa bàn; hướng dẫn thực hiện việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu, thuốc lá; cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định. Phối hợp tăng cường thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên địa bàn, đặc biệt là dịp cuối năm. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 1,53%./.

Tùng Vân

Xem thêm