Bất cập trong hoạt động của trạm cân và camera giám sát khoáng sản

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát, đánh giá hoạt động của trạm cân, camera giám sát tại các mỏ khoáng sản để có định hướng, giải pháp trong thời gian tới, qua đó, phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Tại thời điểm khảo sát, trên địa bàn tỉnh có tổng số 50 mỏ khoáng sản đã cấp phép khai thác (10 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường và 40 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh). Trong đó, 35 mỏ đã đi vào hoạt động; 04 đang tạm dừng; 11 mỏ chưa hoạt động.

Quá trình khảo sát cho thấy: 35/35 mỏ đang hoạt động đã lắp đặt camera; 22/35 mỏ đang hoạt động đã lắp đặt trạm cân (gồm 09 mỏ khoáng sản kim loại và 13 mỏ khoáng sản VLXDTT); 10 mỏ khai thác vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá) và 03 mỏ khai thác khoáng sản (chì, vàng) chưa lắp trạm cân.

Hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ chì kẽm Nà Bốp - Pù Sáp (Chợ Đồn).
Hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ chì kẽm Nà Bốp - Pù Sáp (Chợ Đồn).

Việc lắp đặt trạm cân tại một số mỏ khoáng sản còn mang tính hình thức, lắp đặt trạm cân ở vị trí không đúng theo quy định. Có trạm cân điện tử cố định bị hỏng lâu năm nhưng không được doanh nghiệp khắc phục, sửa chữa kịp thời (trạm cân tại mỏ chì kẽm Nà Bốp - Pù Sáp). Năm 2020, có 07 đơn vị khai thác khoáng sản bị phạt cảnh cáo do chưa thực hiện lắp đặt trạm cân theo quy định. Tại thời điểm khảo sát, vẫn còn 04/7 đơn vị vẫn không chấp hành lắp đặt trạm cân. Các đơn vị nêu lý do việc lắp đặt trạm cân phải phát sinh chi phí đầu tư và nhân lực quản lý, vận hành nên thiếu quan tâm thực hiện.

Việc cấp phép, khai thác, quản lý, tiêu thụ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi...) đều được thực hiện theo đơn vị tính là m³, không thực hiện việc quản lý và tiêu thụ theo khối lượng (kg). Do đó việc lắp đặt trạm cân lắp tại các mỏ khoáng sản này không phù hợp, gây khó khăn, lãng phí cho doanh nghiệp.

Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Quản lý khối lượng khoáng sản kim loại vận chuyển tại các bàn cân điện tử, cửa mỏ thông qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Nội dung chính của Đề án là lắp đặt hệ thống thiết bị camera quan sát xe ô tô, phương tiện vận tải khoáng sản của doanh nghiệp tại các bàn cân điện tử nhằm kiểm soát tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát, góp phần ngăn chặn xe quá khổ, quá tải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong đó, dữ liệu truyền tải về phòng giám sát gồm: Dữ liệu của trạm cân điện tử và dữ liệu của camera giám sát được tích hợp thông qua phần mềm quản lý và phần mềm nhận dạng biển số xe gửi về Trung tâm giám sát (đặt tại UBND huyện) thông qua đường truyền internet.

Qua khảo sát cho thấy, kinh phí thực hiện Đề án là 2.049 triệu đồng, triển khai lắp đặt 09/11 hệ thống camera giám sát các bàn cân điện tử tại 06 mỏ trên địa bàn huyện Chợ Đồn (02 mỏ không lắp do đã dừng hoạt động).

Ngày 30/10/2019, UBND huyện Chợ Đồn đã phối hợp với Sở Công Thương và các doanh nghiệp bàn giao đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát khối lượng khoáng sản kim loại vận chuyển tại các bàn cân điện tử, cửa mỏ. Từ cuối năm 2019 đến ngày 15/9/2021, hệ thống camera giám sát khối lượng khoáng sản kim loại vận chuyển qua bàn cân điện tử tại các mỏ khoáng sản thuộc Đề án trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã kiểm đếm được 22.460 lượt xe ôtô, tổng trọng lượng khoáng sản giám sát được qua trạm cân là 45.303 tấn. Tuy nhiên, số liệu này mới chỉ phản ánh được khoảng 17,5% khối lượng khoáng sản của các doanh nghiệp đã báo cáo và kê khai thuế (258.621 tấn).

Qua quá trình hoạt động, việc thực hiện Đề án còn tồn tại, hạn chế liên quan đến trang thiết bị, nhân lực và cách thức triển khai. Cụ thể như: Nguồn điện phục vụ hệ thống camera giám sát không ổn định. Hệ thống camera tại 4/6 mỏ hoạt động chưa liên tục, thông suốt và chưa truyền tải đầy đủ thông tin về Trung tâm giám sát (mỏ chì kẽm Pù Quéng; mỏ sắt Pù Ổ; trạm cân mỏ chì kẽm Nà Bốp - Pù Sáp; mỏ chì kẽm Lũng Váng). Việc khắc phục, sửa chữa khi gặp sự cố chưa kịp thời và còn phụ thuộc vào đơn vị lắp đặt hỗ trợ vận hành hệ thống camera. 100% hệ thống camera đã được lắp đặt đèn hồng ngoại để giám sát ban đêm, tuy nhiên hình ảnh truyền về Trung tâm không rõ. Tổ giám sát vận hành hệ thống camera chưa theo dõi liên tục được sản lượng khoáng.

Công tác xác định, phân tách khối lượng khoáng sản vận chuyển ra khỏi mỏ của các doanh nghiệp chưa thực hiện được để kiểm tra, giám sát khối lượng khoáng sản nguyên khai. Số liệu về khối lượng giám sát được còn chênh lệch và đạt tỷ lệ thấp so với số kê khai để tính thuế của doanh nghiệp. Đối với camera giám sát tại các boongke, cửa mỏ: Do không cài đặt phần mềm nên camera chỉ truyền hình ảnh trực tiếp về Trung tâm mà không đọc biển số phương tiện và lưu trữ thông tin, vì vậy không có giá trị kiểm soát.

Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế đó được đánh giá là hệ thống camera lắp đặt trên các điểm mỏ khai thác có đường dây dẫn xa và ảnh hưởng bởi thời tiết (mưa, gió) nên hay gặp sự cố mất điện. Khi mất điện lâu, hệ thống lưu điện hết điện dẫn tới không thể vận hành thiết bị camera. Doanh nghiệp không quan tâm bố trí cán bộ trực tại bàn cân hoặc có cán bộ nhưng không có chuyên môn để hỗ trợ.

Cán bộ theo dõi, giám sát của UBND huyện Chợ Đồn hoạt động kiêm nhiệm nên chưa theo dõi được thường xuyên. Không có cán bộ chuyên môn về công nghệ thông tin để xử lý khi gặp sự cố. Đa số doanh nghiệp không cung cấp, bổ sung đầy đủ danh sách số lượng xe ô tô tham gia vận chuyển khoáng sản để làm cơ sở giám sát, tính toán chính xác khối lượng vận chuyển...

Thực tế cho thấy, từ khi Đề án đi vào hoạt động, phản ánh được một phần về hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản thông qua số lượng phương tiện vận tải qua trạm cân, cửa mỏ. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có trách nhiệm, ý thức hơn trong việc kê khai, báo cáo sản lượng khoáng sản định kỳ. Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống camera giám sát còn nhiều bất cập dẫn tới chưa kiểm soát được đầy đủ, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động vận chuyển khoáng sản chưa đạt được mục tiêu đề ra. Những tồn tại, hạn chế trên rất cần các cấp, ngành chức năng nhanh chóng rà soát, khắc phục sớm để kiểm soát hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh./.

Phan Quý

Xem thêm