Chợ Mới chú trọng phát triển kinh tế rừng

Vài năm trở lại đây, việc trồng rừng kinh tế tại huyện Chợ Mới đã phát triển theo hướng nông, lâm nghiệp kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thức của người dân về trồng rừng và bảo vệ rừng được nâng lên, rừng trồng ngày càng có chất lượng.

Người dân xã Tân Sơn khai thác rừng trồng.
Người dân xã Tân Sơn khai thác rừng trồng.

Đồng chí Hoàng Hữu Tuấn- Chủ tịch UBND xã Hòa Mục cho biết: Bình quân mỗi năm người dân xã Hòa Mục khai thác hàng trăm héc-ta rừng trồng, thu về hàng trăm triệu đồng. Nghề trồng rừng đã thực sự trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn ở các thôn Nà Tôm, Bản Vọt, Khuổi Nhàng... Những năm trở lại đây, mỗi năm địa phương trồng lại rừng sau khai thác trên dưới 100ha. Nhiều hộ vươn lên khá nhờ trồng rừng, kết hợp mở xưởng gỗ bóc cho thu nhập khá cao. Bên cạnh chú trọng trồng rừng, hiện nay trên địa bàn xã có 03 hộ mở 05 xưởng bóc gỗ, không những giúp tăng thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội địa phương.

Tiêu biểu như gia đình anh Đinh Sỹ Hằng, thôn Nà Tôm, xã Hòa Mục phát triển kinh tế từ trồng rừng đã nhiều năm nay. Kết hợp trồng rừng với duy trì hoạt động 02 xưởng chế biến bóc gỗ, gia đình anh không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân trong xã. Để rút ngắn chu kỳ khai thác, anh Hằng trồng rừng theo đúng quy trình kỹ thuật giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện gia đình anh có gần 10ha rừng, chủ yếu là rừng kinh tế. Bình quân mỗi năm từ việc khai thác rừng trồng và thu nhập từ 02 xưởng bóc gỗ, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động trả lương theo sản phẩm.

Thanh Mai là xã nằm ở vùng kinh tế phía Tây của huyện Chợ Mới, có lợi thế phát triển trồng rừng. Hằng năm công tác trồng rừng của xã đều đạt và vượt kế hoạch, diện tích không ngừng tăng lên. Hiện nay, xã có trên 3.000ha rừng trồng, nhiều diện tích mang lại thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/ha. Để nâng cao giá trị kinh tế cây trồng, hiện nay cấp ủy, chính quyền xã tập trung chỉ đạo phát triển trồng rừng gỗ lớn theo Dự án KfW8 và coi đây là hướng đi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Xưởng gỗ bóc của gia đình anh Đinh Sỹ Hằng, thôn Nà Tôm, xã Hòa Mục.
Xưởng gỗ bóc của gia đình anh Đinh Sỹ Hằng, thôn Nà Tôm, xã Hòa Mục.

Huyện Chợ Mới hiện có tổng diện tích đất rừng tự nhiên là 51.379ha, trong đó đất rừng phòng hộ 8.236ha, đất rừng sản xuất 43.142ha cơ bản được giao cho cá nhân, hộ gia đình quản lý sử dụng, khai thác theo đúng quy định. Hằng năm, trung bình huyện trồng rừng sau khai thác khoảng 1.800ha; duy trì độ che phủ của rừng trên 70%. Mỗi năm khai thác hơn 55.000m3 gỗ nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Thanh Bình và khoảng 40 xưởng chế biến gỗ bóc trong và ngoài huyện, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân.

Để phát huy giá trị kinh tế rừng, huyện chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Phát triển diện tích trồng rừng của địa phương kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng ổn định, bền vững. Tổ chức kiểm kê, rà soát quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với thực tế, xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững. Thực hiện Chương trình quản lý rừng bền vững FSC tại các xã Cao Kỳ, Hòa Mục, Nông Hạ và Dự án KfW8 trên địa bàn 5 xã Thanh Mai, Nông Hạ, Nông Thịnh, Cao Kỳ, Mai Lạp. Đồng thời từng bước đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng cây gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế rừng và bảo vệ môi trường...

Có thể nói, trồng rừng gắn với chế biến lâm sản không những đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện, mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu./.

Lý Dũng

Xem thêm