Hỗ trợ kết nối, tiêu thụ cam, quýt

Để tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn năm 2021.

Diện tích trồng cam, quýt của tỉnh hiện có hơn 3.524ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 2.465ha, sản lượng ước đạt trên 24.517 tấn. Hiện nay, người dân bắt đầu thu hoạch, kéo dài đến tháng 1 - 2/2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ cam, quýt  gặp nhiều khó khăn, trong khi tại tỉnh ta chưa có đầu mối thu mua, bao tiêu ổn định.

Năm nay, sản lượng cam, quýt tại xã Dương Phong (Bạch Thông) ước đạt khoảng 3.000 tấn.
Kiểm tra mô hình trồng mới cây cam sành ở Tổng Mú, xã Dương Phong (Bạch Thông).

Trước yêu cầu thực tiễn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 696/KH-UBND ngày 18/11/2021 về việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm cam, quýt hiện có. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số vào hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh tiêu thụ để thích ứng, phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu và hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực hiện kế hoạch của tỉnh, Sở Công thương tổ chức các nội dung thông tin, tuyên truyền; giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn tại hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm và các chương trình, sự kiện khác của tỉnh; vận động, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các đơn vị tham gia hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm do Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố tổ chức. Chủ trì phối hợp với Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn và các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, cách thức vận hành, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất xây dựng gian hàng cam, quýt Bắc Kạn trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản gửi tới Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn…, các nhà phân phối, siêu thị lớn trên toàn quốc, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính Viettel đề nghị kết nối tiêu thụ và giới thiệu đầu mối cung ứng sản phẩm cam, quýt của tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã có văn bản gửi tới Công ty TNHH thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C- Tập đoàn Central Group Việt Nam; Công ty TNHH Aeon Việt Nam… đề nghị hỗ trợ tiêu thụ cam, quýt và một số nông sản của tỉnh, cũng như việc cung cấp vào hệ thống siêu thị của các đơn vị này. Đồng thời giới thiệu Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn làm đơn vị đầu mối để đưa cam, quýt vào chuỗi siêu thị.

Bên cạnh đó, nhằm tăng sức cạnh tranh về giá khi cung cấp sản phẩm cho các nhà phân phối, bán lẻ, Sở Công thương tiếp tục chủ trì làm việc với các đơn vị phân phối, Sở Công thương các tỉnh, thành phố để giúp kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh với các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh về các điều kiện, tiêu chuẩn cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích cực vào cuộc trong hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm cam, quýt và nông sản của tỉnh. Sở chủ động phối hợp với các huyện, thành phố theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất, khả năng cung ứng, đầu mối cung ứng, tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, an toàn thực phẩm…); quy trình sản xuất, chất lượng của sản phẩm cam, quýt và nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ nhằm phục vụ công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ. Tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; chú trọng công tác thu hoạch, bảo quản, đóng gói sau thu hoạch… để nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Hiện sản phẩm cam, quýt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP đã và đang được tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ, nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh…

Theo kế hoạch, trong tháng 12, tỉnh sẽ tổ chức gian hàng, khu trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam, quýt tại Hội chợ Công thương khu vực Đông Bắc – Bắc Kạn năm 2021; tham gia gian hàng tại các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm… Đồng thời tổ chức hoạt động truyền thông, quảng bá, phân phối và tiêu thụ qua các kênh của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; xây dựng và vận hành gian hàng cam, quýt Bắc Kạn trên các sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart...

Để hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn đạt hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ thực hiện tốt công tác quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt và các nông sản của tỉnh. Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập./.

A.T

Xem thêm