Nhiều cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường

Đẩy mạnh chế biến gỗ rừng trồng là chủ trương của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tuy nhiên việc cấp phép và quản lý các cơ sở chế biến gỗ hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực môi trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng (bóc, băm) hoạt động. Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chế biến gỗ, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải bố trí địa điểm đặt xưởng sản xuất. Quá trình cấp phép được thực hiện bài bản theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, các điều kiện bao gồm yêu cầu: Phải đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, nguồn gốc nguồn nguyên liệu hợp pháp. Có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với công suất thiết kế, cơ cấu sản phẩm, nguồn nguyên liệu và sản lượng sản phẩm. Các cơ sở đều xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường với rất nhiều giải pháp đảm bảo xử lý chất thải rắn, khói, bụi, tiếng ồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cơ sở chế biến gỗ đã vi phạm và phải chịu xử phạt.

 Một cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm không khí tại TP. Bắc Kạn.
Một cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm không khí tại TP. Bắc Kạn.

Trong chuyến công tác tại huyện Ngân Sơn ngày 23/11/2021, từ trên đỉnh đèo Gió, nhìn về trung tâm xã Vân Tùng, chúng tôi nhận thấy một vùng không gian đã bị bao phủ màn khói trắng của 02 cơ sở chế biến gỗ bóc sử dụng lò đốt rác thải ngay trong khu dân cư. Khói quẩn quanh đậm đặc không gian sống của người dân. Ngoài ra, việc bốc dỡ gỗ đêm khuya còn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân sống xung quanh xưởng gỗ, nhất là đối với người già và trẻ em. Tại các xã Nông Hạ (Chợ Mới), Cẩm Giàng (Bạch Thông), cũng trong khu dân cư đông đúc, hiện có nhiều cơ sở bóc gỗ hoạt động. Người dân phản ánh thường xuyên phải chịu đựng khói, bụi, tiếng ồn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Anh- Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bạch Thông cho biết: Khi cấp phép thì đầy đủ giấy tờ, vấn đề môi trường được các chủ cơ sở cam kết bảo đảm. Tuy nhiên, khi thực hiện thì rất nhiều cơ sở vi phạm về khói bụi, tiếng ồn. Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra và xử phạt một số cơ sở vi phạm. Cơ sở chế biến gỗ là loại hình kinh doanh không có điều kiện nên không thể đưa ra quy định phải đặt xưởng ở nơi rộng rãi, ngoài vùng dân cư. Do vậy, các chủ cơ sở có vị trí, đủ thủ tục thì được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, nhận thức của các chủ cơ sở còn hạn chế nên không hiểu hết được yêu cầu bảo vệ môi trường theo kế hoạch.

Ngoài những bất cập trên, hoạt động chế biến, kinh doanh của các xưởng bóc gỗ còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Cụ thể, trên tuyến Quốc lộ 3 đoạn qua các xã Cẩm Giàng (Bạch Thông), Nông Hạ, Thanh Thịnh (Chợ Mới), tình trạng các cơ sở bóc gỗ mang ván bóc ra đường phơi gây lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, bốc hàng lên xe gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia thông diễn ra thường xuyên.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 12/CT-UBND ngày 12/10/2021 chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về việc sử dụng đất, thuê đất để sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế việc sử dụng đất, thuê đất và công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và thu mua sản phẩm gỗ rừng trồng; bảo vệ và phát triển rừng, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các hành vi phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Nghiên cứu thực hiện đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở chế biến gỗ mới phải gắn với vùng nguyên liệu và sử dụng đất đúng quy định pháp luật. Đồng thời quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, kiên quyết đình chỉ hoạt động, đóng cửa cơ sở không có đăng ký kinh doanh, buộc tháo dỡ máy móc, thiết bị, nhà xưởng đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp; xử lý nghiêm cơ sở sử dụng, lấn chiếm đất trái quy định, các cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường…

Có thể thấy, với mục tiêu phát triển rừng gắn với chế biến gỗ là cần thiết, tuy nhiên phải đảm bảo các điều kiện về sản xuất, kinh doanh nhằm đưa hoạt động sản xuất, chế biến gỗ vào nền nếp, mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương và đảm bảo môi trường sống cho người dân./. 

Phan Quý

                                                                                                                                                                             

Xem thêm