Bắc Kạn: Cần có thêm nhiều nhà máy chế biến sâu nông, lâm sản

Bắc Kạn có các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nên giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh. Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm từ nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, tỉnh Cao Bằng đến thăm quan và trao đổi các làm miến xuất khẩu với HTX Tài Hoan
Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, tỉnh Cao Bằng đến tham quan và trao đổi cách làm miến xuất khẩu tại HTX Tài Hoan.

Từ thực tế này, việc đầu tư chế biến sâu không chỉ là giải pháp chủ động giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá” hay “giải cứu” hàng nông sản mà về lâu dài còn giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn khi xuất khẩu hàng nông sản tươi. Với sự chỉ đạo của các cấp, ngành trong việc mời gọi đầu tư, những năm qua tỉnh đã đón nhận nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông, lâm sản, với những bước đi vững chắc của các doanh nghiệp, một số cây trồng tiêu biểu đã từng bước tháo gỡ việc được mùa rớt giá và ngược lại.

Một số nông sản tiêu biểu đã có chỗ đứng trên thị trường, từ việc xây dựng được thương hiệu, qua đầu tư chế biến sâu, ổn định đầu ra và gia tăng diện tích như cây dong riềng. Hiện nay cây dong riềng đã tạo thành vùng chuyên canh tại hai huyện Na Rì và Ba Bể… mỗi năm gần 1.000ha, toàn bộ diện tích được các HTX của hai huyện bao tiêu và chế biến thành sản phẩm miến dong, một đặc sản của Bắc Kạn cũng đang chinh phục nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Với diện tích gần 1.000ha, dong riềng là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn. Đây là nguyên liệu để sản xuất miến dong. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn từ lâu nổi tiếng với tiêu chí “3 không” của miến dong Bắc Kạn: “Không sạn - không hóa chất - không phụ gia”, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Hiện nay, miến dong đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu, mở ra cơ hội phát triển cho người dân. Đối với cây nghệ được trồng nhiều tại các huyện Pác Nặm, Na Rì, Bạch Thông… Từ việc tạo được vùng chuyên canh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 nhà đầu tư chế biến lớn gồm 03 công ty và 01 HTX. Từ củ nghệ các Công ty và HTX đã chế biến ra hàng chục loại sản phẩm, chế biến tinh được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Cây chè với diện tích hàng nghìn héc-ta được trồng tại huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, sản phẩm chè mặc dù chưa có nhà máy lớn chế biến, nhưng đây là sản phẩm người dân tự chế biến được; mặt khác nhiều HTX tham gia tổ chức chế biến thành chè búp khô, đối với sản phẩm chè không đủ cung cấp cho thị trường trong nước, tuy nhiên để nâng cao chất lượng và giá trị rất cần nhà đầu tư, đầu tư nhà máy chế biến xuất khẩu.

Đối với cây mơ, năm 2018, Công ty TNHH VIỆT NAM MISAKI đã chính thức đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Thanh Bình trên diện tích 14.300m2, chế biến các loại nông sản như quả mơ, gừng, măng, rau củ quả, công suất nhà máy giai đoạn 1 là 2.000 tấn/năm. Trong 3 năm gần đây, sản phẩm mơ của tỉnh Bắc Kạn làm nguyên liệu xuất khẩu ước đạt khoảng hơn 2.000 tấn. Hiện nay, nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại Khu công nghiệp Thanh Bình mỗi năm thu mua khoảng 500 tấn quả mơ của người dân tỉnh Bắc Kạn để chế biến. Toàn bộ sản phẩm làm ra xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hơn 200ha mơ của người dân huyện Chợ Mới đã được thu mua, chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế, ổn định thu nhập cho người trồng mơ, phát triển thành vùng nguyên liệu chuyên canh cây mơ.

Để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này, doanh nghiệp đã liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu sạch với diện tích hơn 500ha. Đây cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn xuất khẩu, với số lượng lớn ra nước ngoài.

Không chỉ nông sản, những năm qua lâm sản của tỉnh Bắc Kạn đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, trồng rừng đã trở thành một nghề của nhiều hộ dân Bắc Kạn, tiêu biểu như huyện Chợ Mới, với lợi thế có KCN Thanh Bình đóng trên địa bàn huyện, từ một vài nhà máy trước đây thì nay đã có hàng chục nhà máy và cơ sở chế biến, tất cả đều hướng đến xuất khẩu. Việc phát triển trồng rừng tập trung và trồng rừng phân tán đã được triển khai thực hiện duy trì thường xuyên hằng năm. Năm 2020 thực hiện trồng hơn 1.274ha rừng; năm 2021 trồng mới rừng đạt hơn 1.262ha, bằng 133% kế hoạch năm, đạt 126,29% chỉ tiêu Nghị quyết...

Hàng chục nhà máy chế biến gỗ tại huyện Chợ Mới đều xuất khẩu
Hàng chục nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu đã đầu tư vào huyện Chợ Mới và đang sản xuất ổn định.

Ông Hoàng Nguyễn Việt- Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Để việc xuất khẩu gỗ được thuận lợi, việc đảm bảo có chứng chỉ rừng FSC là rất cần thiết. Dự án KFW8 thực hiện trên địa bàn các xã: Thanh Mai, Mai Lạp, Cao Kỳ, Thanh Thịnh, Nông Hạ của huyện Chợ Mới; diện tích dự án 987ha; diện tích đánh dấu cây tỉa thưa đạt 708ha/533 hộ dân tham gia và đã được cấp sổ tiết kiệm với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng; tỉa thưa lần 1 đạt hơn 297,5ha và trồng cây bản địa dưới tán rừng keo hơn 37,2ha. Triển khai thực hiện cấp chứng chỉ FSC tại xã Hòa Mục, Cao Kỳ, Nông Hạ với tổng diện tích hơn 921,4ha với 322 hộ dân tham gia. Đây là điều kiện cần để phát triển công nghiệp chế biến gỗ của Chợ Mới nói riêng và Bắc Kạn nói chung, cũng là thế mạnh cho các nhà đầu tư chế biến gỗ xuất khẩu đầu tư vào tỉnh. Hiện nay, ngay tại huyện Chợ Mới đã có hàng chục nhà đầu tư chế biến gỗ lớn với quy mô xuất khẩu.

 Đến nay hầu hết các loại cây trồng đều có các cơ sở, nhà máy, HTX đầu tư chế biến, tuy nhiên với diện tích và sản lượng lớn, đặc biệt là đối với một số loại cây ăn quả như (cam, quýt, hồng không hạt, mơ, mận, chuối), diện tích hiện có 6.811 ha, diện tích cho thu hoạch 4.928/5.169 ha, tổng sản lượng ước đạt 49.914/48.184 tấn. Với diện tích và sản lượng nêu trên rất cần các nhà đầu tư lớn, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào tỉnh Bắc Kạn, tham gia vào chuỗi chế biến xuất khẩu nông, lâm sản./.

 Trần Tuyến

Xem thêm