Hợp tác xã phi nông nghiệp phát triển ổn định

Sau 20 năm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương (2002 - 2021), các hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn đã có những bước tiến tích cực, góp phần quan trọng vào việc đổi mới diện mạo kinh tế khu vực nông thôn.

Ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được ban hành, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân; ban hành nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt. Đồng thời các cấp, ngành đã tập trung tuyên tuyền sâu rộng để người dân hiểu rõ hơn vai trò, vị trí, yêu cầu khách quan và phát triển HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, đông đảo quần chúng nhân dân đã thấy được và thêm tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể.

Hoạt động nuôi dạy trẻ tại HTX Bảo Tâm (TP. Bắc Kạn).
Hoạt động nuôi dạy trẻ tại HTX Bảo Tâm (TP. Bắc Kạn).

Giai đoạn 2002 - 2012, hoạt động của HTX vẫn theo lối tư duy cũ, do vậy nhận thức của các cấp, ngành và Nhân dân về đường lối, quan điểm phát triển kinh tế tập thể của Nghị quyết 13 vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng HTX là những sản phẩm của thời kỳ đã qua và nếu người dân cần đến đâu thì để họ tự tổ chức đến đấy, không nhất thiết phải quan tâm thúc đẩy. Nhiều cấp uỷ, chính quyền, cán bộ và đảng viên chưa thấy được bản chất của HTX chính là tổ chức của người dân, trong đó tuyệt đại bộ phận là những người sản xuất nhỏ, yếu thế, nghèo, trình độ, năng lực thấp, cùng nhau liên kết lại để được trợ giúp mình, giúp đỡ nhau vươn lên, vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính xã hội, là một công cụ xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng.

Đánh giá kết quả hoạt động của mô hình HTX về kinh doanh thuần tuý, mức đóng ngân sách chưa xuất phát từ quan điểm toàn diện cả kinh tế, chính trị, xã hội, không thấy được vai trò của HTX trong việc phát triển kinh tế hộ thành viên, đáp ứng các nhu cầu của thành viên, người lao động, trong việc giữ ổn định xã hội. Không những thế, một bộ phận lớn người dân, các hộ kinh tế gia đình chưa hiểu biết về mô hình HTX mới, không tích cực và chủ động tham gia góp vốn, ỷ lại và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mặc cảm về mô hình HTX cũ... Do nhận thức không đúng dẫn đến ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nghị quyết không được cao, hiệu quả phát triển HTX đạt thấp, thiếu bền vững, nhiều HTX đã giải thể do hoạt động yếu kém...

Mặc dù vậy, tỉnh Bắc Kạn vẫn nỗ lực vận động, tuyên truyền, đồng thời khẳng định việc khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX là rất quan trọng. Năm 2012, Luật HTX kiểu mới được ban hành, cùng với đó là hàng loạt nghị quyết, chỉ thị, quyết định, đề án... về  hỗ trợ, ưu tiên về vốn, đất đai, thuế, phí... đã tạo điều kiện thuận lợi để HTX đẩy mạnh phát triển đi vào chiều sâu, bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 299 HTX, trong đó có 60 HTX phi nông nghiệp hoạt động ổn định và rất phát triển. Đội ngũ cán bộ HTX cơ bản được đào tạo, có trình độ trung cấp trở lên, đáp ứng yêu cầu quản trị HTX sản xuất, kinh doanh. Lĩnh vực hoạt động của HTX khá đa dạng ở hầu hết mọi lĩnh vực phát triển kinh tế như dịch vụ quản lý chợ, dịch vụ vận tải, dịch vụ thương mại, vệ sinh môi trường, san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình dân dụng, khai thác cát, sỏi, chế biến thực phẩm, dược phẩm, khám chữa bệnh, sản xuất máy nông nghiệp, nuôi dạy trẻ.

Điển hình là HTX Huân Huyền (Pác Nặm), chuyên bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; HTX Sông Năng (Ba Bể) chuyên khai thác cát sỏi, vận tải hàng hóa; HTX Chu Mạnh (Ngân Sơn) chuyên xây dựng công trình đường bộ; HTX Đông Nam Dược (Bạch Thông), khám chữa bệnh đông y; HTX 2-9 (Bạch Thông) chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng công trình dân dụng; HTX Thành Long (Chợ Mới) chuyên khai khoáng và xây dựng dân dụng; HTX đầu tư và phát triển Chợ Mới, chuyên quản lý chợ; HTX Hải Anh (TP. Bắc Kạn) chuyên vận tải, bán xăng dầu; HTX Bảo Tâm (TP. Bắc Kạn) chuyên giáo dục mầm non; HTX Thành Ngân (Na Rì) chuyên sản xuất máy nông nghiệp…

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của HTX phi nông nghiệp cơ bản vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ với nhiều khó khăn hiện hữu như: Vốn tài sản nhỏ, nội dung hoạt động còn đơn điệu, thiếu bền vững, độ tăng trưởng của khu vực kinh tế còn thấp; chưa khai thác hết năng lực nội tại của các thành viên cả về vốn và cơ sở vật chất. Nguồn nhân lực, trình độ quản lý còn yếu, nhiều máy móc thiết bị thô sơ, lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh thấp dẫn đến hoạt động của nhiều HTX hiệu quả chưa cao. Một số HTX sản xuất có lãi nhưng chưa nhiều, phần lớn chỉ đủ trang trải các khoản chi phí, không đủ để trích cho các quỹ và tích luỹ mở rộng hoạt động.

Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng và 10 năm thực hiện Luật HTX kiểu mới, kinh tế tập thể ở tỉnh Bắc Kạn đã có bước phát triển nhanh, từng bước đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên. Nhận thức của người dân đã được nâng cao. Hầu hết các HTX được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng của các thành viên, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Phan Quý

Xem thêm