Ngân Sơn tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Ngân Sơn đã có những bước chuyển biến rõ rệt, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Huyện Ngân Sơn khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Huyện Ngân Sơn khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Huyện Ngân Sơn tập trung chuyển đổi diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ bằng việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác các lợi thế của địa phương, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Với đặc điểm tự nhiên có 2 tiểu vùng khí hậu rõ rệt, huyện Ngân Sơn quy hoạch vùng sản xuất với những cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, diện tích đất ruộng đạt 100 triệu đồng/ha/năm đạt 850ha. Trong đó, cây nguyên liệu thuốc lá được trồng tập trung tại các xã phía Bắc duy trì diện tích hơn 600ha; cây lúa nếp Khẩu Nua Lếch năm 2017 toàn huyện trồng được 70ha, đến nay hằng năm đạt hơn 100ha. Giống lúa này đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phục tráng thành công và nhân rộng, sản phẩm gạo nếp Khẩu Nua Lếch được cấp nhãn hiệu tập thể, trở thành hàng hoá có thị trường tiêu thụ.

Xác định chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành, huyện Ngân Sơn tập trung phát triển vỗ béo trâu, bò; chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, chăm sóc; thực hiện tốt công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh, ổn định phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo phương thức bán thâm canh nhằm nâng cao tầm vóc, chất lượng, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) 12.500 con, đàn lợn 32.000 con. Xây dựng 10 mô hình gia trại chăn nuôi tại các xã Bằng Vân, Vân Tùng, Lãng Ngâm, Nà Phặc, Hiệp Lực và thị trấn Nà Phặc.

Lê là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, được huyện Ngân Sơn nhân rộng tại một số địa phương.
Lê là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, được huyện Ngân Sơn nhân rộng tại một số địa phương.

Thực hiện Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020, những năm qua công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đạt được kết quả khá tốt, diện tích rừng ngày càng tăng, nâng độ che phủ rừng của huyện lên 66,4%. Để khai thác hiệu quả, nâng cao giá trị rừng trồng, toàn huyện có 21 cơ sở chế biến lâm sản, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương. Năm 2021, toàn huyện trồng mới được hơn 554ha rừng, đạt 158,3% so với Nghị quyết. Ngoài ra, huyện đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện trồng mới 200ha cây hồi nhằm hướng đến chế biến, chưng cất tinh dầu đóng chai tại các xã Thuần Mang, Thượng Quan, Hiệp Lực, Trung Hòa trong giai đoạn năm 2022-2025.

Đồng thời khuyến khích, vận động Nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ sang liên kết, hợp tác, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) để thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững. Năm 2018, toàn huyện có 7 HTX, 11 tổ hợp tác thì hiện trên địa bàn huyện đã có 19 HTX, 52 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, huyện Ngân Sơn thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” dựa trên lợi thế của từng địa phương. Hiện nay huyện có 05 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh (Khẩu Nua Lếch Thượng Quan; bún, phở khô Quỳnh Niên; măng ớt Phong Phin, hạt dẻ của Hợp tác xã Hợp Phát).

Đồng chí Nguyễn Trọng Lăng- Quyền Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thoát khỏi danh sách huyện nghèo, huyện đang tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất quy mô lớn. Thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất sau thu hoạch. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tăng năng suất, chất lượng hiệu quả chăn nuôi bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện tốt công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh, sử dụng giống lai có năng suất, chất lượng cao; bảo tồn, phát triển giống vật nuôi bản địa có giá trị; tìm kiếm thị trường; quy hoạch bãi chăn thả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Ngân Sơn đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sản lượng lương thực ổn định trên 19.400 tấn/năm; bình quân lương thực đạt 590kg/người/năm; phấn đấu hằng năm toàn huyện thành lập được thêm 02 HTX kiểu mới. Định hướng đến năm 2030, phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển công nghiệp, dịch vụ ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn gấp 2 lần so với hiện nay; giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản đạt hơn 2.569 tỷ đồng; năng suất lúa bình quân 49 tạ/ha/vụ; giảm 3 - 4% hộ nghèo/năm./.

Hà Nhung

Xem thêm