Phát huy vai trò “bà đỡ” trong liên kết tiêu thụ nông sản

Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Na Rì đã làm tốt vai trò “bà đỡ” trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản chủ lực của huyện.

Cam Đường Canh được tập kết tại HTX Kim Lư trước khi tiêu thụ.

Cam Đường Canh được tập kết tại HTX Kim Lư trước khi tiêu thụ.

HTX Kim Lư được thành lập từ đầu năm 2019, ngành nghề chính là sản xuất các loại cây ăn quả như: Quýt, cam Đường Canh… Từ khi đi vào hoạt động đến nay HTX đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ” giúp các hộ thành viên nâng cao thu nhập. Ông Hoàng Minh Giáp- Giám đốc HTX chia sẻ: “Từ khi còn công tác tại UBND xã, tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, đơn lẻ, đưa nông sản địa phương vươn xa và có đầu ra ổn định. Sau khi nghỉ công tác, tôi vận động các hộ dân trồng cây ăn quả trên địa bàn xã thành lập HTX. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các thành viên đã tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, từ đó năng suất, chất lượng các loại quả cũng dần được khẳng định khi sản phẩm cam Đường Canh đạt OCOP 3 sao của tỉnh vào năm 2020”.

Vụ cam, quýt năm 2020, toàn bộ quả của HTX được Công ty nông sản Việt Bắc (Hà Nội), chợ đầu mối nông sản thành phố Thái Bình và Hải Phòng thu mua. Vụ thu hoạch quả năm nay, các đơn vị này đã thu mua hơn 100 tấn cam, quýt cho các thành viên và các hộ dân liên kết của HTX. Những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, sự nhạy bén trong liên kết tiêu thụ sản phẩm đã tạo động lực để người dân thúc đẩy sản xuất. Đến nay, diện tích cây ăn quả của HTX phát triển hơn 40ha, doanh thu hằng năm đạt trên 2 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Thành, thành viên HTX Kim Lư cho biết: “Gia đình tôi có 2ha quýt, cam Đường Canh. Trước đây, vợ chồng tôi tự mang đi các chợ bán, nhưng giá cả thất thường, có năm giá thấp không muốn bán. Đầu vụ năm nay, tôi rất lo lắng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ tác động đến tiêu thụ sản phẩm, nhưng đến thời điểm hiện tại, HTX đã thu mua gần hết vườn cam, quýt của gia đình. Chúng tôi chỉ cần thu hoạch, phân loại, ô tô sẽ đến tận nơi thu mua, gia đình rất phấn khởi. Năm nay, cam Đường Canh được giá từ 16.000 - 20.000 đồng/kg tùy từng loại, ước tính thu nhập sau khi trừ chi phí đạt khoảng 150 triệu đồng”.

Khoảng 3 năm trở về trước, hàng chục héc-ta đất canh tác của người dân xã Trần Phú thường bỏ không vào vụ đông. Tiếc đất để trống, người dân thì không có việc làm, anh Bàn Hữu Thân- Giám đốc HTX Bình Minh đã chủ động xuống tỉnh Bắc Giang tìm hiểu, kết nối, sau đó ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và đưa cây khoai tây về trồng ở xã. Có được sự liên kết chặt chẽ, người dân không lo về giá cả, tiêu thụ. Trong vòng 2 năm trở lại đây, mỗi vụ đông, trên địa bàn xã trồng được 12ha cây khoai tây, trừ chi phí bà con lãi khoảng 50 triệu đồng/ha.

Bên cạnh cây khoai tây, HTX còn tập trung trồng rau, củ, quả rải vụ. HTX đứng ra tổ chức, xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ nên người dân yên tâm tập trung sản xuất. HTX có 15 thành viên và 90 hộ dân liên kết, hằng năm cung cấp ra thị trường hơn 500 tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng.

Không chỉ 2 HTX trên, những năm qua, các HTX trên địa bàn huyện Na Rì đã không ngừng nỗ lực, từng bước phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc cho nông dân. Điển hình như HTX Tài Hoan (xã Côn Minh), HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, HTX Văn Lang HT (xã Văn Lang), HTX trồng cây ăn quả thôn Khuổi Nằn II (thị trấn Yến Lạc)…

Đồng chí Hoàng Thị Thu Nguyệt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có 22 HTX nông - lâm nghiệp. Các HTX đã nỗ lực vượt khó để phát huy nội lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con, qua đó khẳng định được vai trò của HTX đối với sản xuất và phát triển kinh tế của huyện”.

Để ngày càng phát triển lớn mạnh, các HTX cần tiếp tục được hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua hội chợ hoặc qua kênh thương mại điện tử, từng bước kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản. Từ đó, phát huy vai trò nòng cốt của HTX, thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất quy mô lớn, có sức lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Đồng Lai

Xem thêm