Chủ động cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Để đảm bảo nhu cầu hàng hóa của người dân trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động triển khai các giải pháp, phương án nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, vừa sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Siêu thị Vinmart Bắc Kạn có khả năng cung cấp rau, củ khoảng 0,7 tấn/ngày.
Siêu thị Vinmart Bắc Kạn có khả năng cung cấp rau, củ khoảng 0,7 tấn/ngày.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong những tháng gần đây vẫn ổn định, đa dạng, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao như thường lệ trong dịp Tết Nguyên đán, như: Gạo chất lượng cao, gạo nếp, đỗ, bún phở khô, miến dong…; thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt gà, cá…); bánh, kẹo và các loại đồ uống đóng lon, hộp… Giá mặt hàng gạo từ 13.000 – 16.000 đồng/kg; thịt lợn lai 90.000 – 100.000 đồng/kg; thịt lợn ta 120.000 – 130.000 đồng/kg; thịt gà ta 175.000 – 180.000 đồng/kg; bí xanh thơm, bí đỏ 15.000 đồng/kg; cà chua 30.000 đồng/kg; các loại rau có giá từ 7.000 – 10.000 đồng/mớ; miến dong 56.000 – 65.000 đồng/kg.

Hoạt động phân phối hàng hóa phát triển với nhiều hình thức như qua hệ thống các chợ, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, các hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn... Ngoài ra, cung cầu hàng hóa còn được triển khai qua thương mại điện tử, website, facebook, zalo.

Dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 10-15%. Ngày 28/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Phương án số 805/PA-UBND về chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Theo đó, đối với nhóm lương thực, lượng thóc, gạo hiện dự trữ tại các cửa hàng xay xát, đại lý khoảng 250 - 300 tấn gạo nếp, gạo tẻ. Trong đó, Siêu thị Vinmart Bắc Kạn 2,5 tấn gạo; Công ty Thương mại và Dịch vụ huyện Ba Bể 30 tấn gạo; Hợp tác xã Hoàn Thành (Chợ Đồn) 30 tấn thóc và các cơ sở cung ứng thóc, gạo lớn như: Cơ sở Nguyễn Thị Thủy (Chợ Bắc Kạn) 30 tấn gạo, đại lý Nguyễn Thị Tuyết Mai (phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Bắc Kạn) 50 tấn gạo… Các mặt hàng miến dong, phở khô, bún khô do các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất, cung cấp ra thị trường. Sản lượng miến dong năm 2021 ước đạt 1.300 tấn; phở khô, bún khô cung cấp ra thị trường với sản lượng ổn định khoảng 170 tấn/năm.

Nhóm thực phẩm, thịt lợn tại địa phương chiếm khoảng 60 - 70% thị trường của tỉnh. Trong đó, Công ty Cổ phần Sản xuất VLXD Bắc Kạn cung cấp thịt lợn ra thị trường 400 tấn/tháng. Thời điểm dự trữ, kinh doanh hiện tại, Công ty TNHH Nam Huế 20 tấn; Hợp tác xã Hùng Tuyết 50 tấn… Thịt lợn bán lẻ tại Siêu thị Vinmart Bắc Kạn 0,7 tấn/ngày; Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Pác Nặm 30 tấn; Hợp tác xã Nhung Lũy (Ba Bể) 50 tấn; Hợp tác xã Trần Phú (Na Rì) 10 tấn…

Mặt hàng rau, củ, quả, sản lượng gieo trồng tại các địa phương trong tỉnh đạt 14.987 tấn. Tại các khu vực nông thôn, lượng rau, củ, quả của người dân đáp ứng 90% nhu cầu tiêu dùng. Đối với khu vực trung tâm thành phố, thị trấn, lượng rau, củ, quả của địa phương chiếm khoảng 40 - 50%, còn lại là nhập từ các tỉnh ngoài. Hiện sản lượng bí xanh, bí đỏ…cung ứng tại chỗ trên 1.000 tấn; Siêu thị Vinmart có khả năng cung cấp rau, củ khoảng 0,7 tấn/ngày… Các đại lý, cửa hàng bán lẻ đang dự trữ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết như: Nấm hương 210.000 đồng/kg; mộc nhĩ 120.000 đồng/kg; măng khô 230.000 đồng/kg…

Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh chuẩn bị phương án duy trì cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đối với nhóm lương thực (thóc, gạo) sẽ huy động và sử dụng nguồn cung tại chỗ, đảm bảo ổn định giá cả, kiểm soát mức tăng giá không quá 15% so với trước thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ưu tiên khả năng cung ứng tại chỗ, linh hoạt trong việc cung ứng thực phẩm giữa các địa phương trong tỉnh.

Trong trường hợp địa phương bị cách ly do dịch bệnh không có khả năng duy trì, cung cấp các dịch vụ thiết yếu, UBND cấp huyện có trách nhiệm thông tin, phối hợp với Sở Công thương tham mưu phương án cung cấp các hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân vùng dịch, trên cơ sở khả năng cung cấp và phân phối của hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Duy trì nguồn cung ứng, các cơ sở bán khẩu trang y tế và khẩu trang thường. Trong trường hợp thiếu nguồn cung, Sở Công thương phối hợp Sở Y tế và các huyện, thành phố tổng hợp nhu cầu gửi các đơn vị sản xuất khẩu trang theo công bố của Bộ Y tế để đặt hàng. Đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng khẩu trang theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đảm bảo duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bảo đảm duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đảm bảo duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động kinh doanh xăng dầu, LPG và cung cấp điện trên địa bàn. Trong trường hợp có dịch diễn biến phức tạp dẫn đến khan hiếm nguồn cung xăng dầu, LPG, Sở Công thương chủ động báo cáo Bộ Công thương để có phương án điều tiết, cung cấp xăng dầu, LPG đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của người dân.

Để thực hiện hiệu quả các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19, ổn định thị trường, đảm bảo an sinh trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán 2022, tỉnh tập trung triển khai các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, huy động các nguồn lực, nguồn vốn nhằm chủ động kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn vay ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa thiết yếu. Đảm bảo các điều kiện cho việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh như chủ động phương án cung cấp đầy đủ nguồn điện, dự trữ nguồn cung xăng dầu, gas… Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn./.

Anh Thúy

Xem thêm