Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021

Sáng 06/01, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phương Thị Thanh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó, nổi bật là Bộ Tài chính đã tập trung triển khai công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả ứng phó với dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tổng số thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP ước thực hiện (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5% GDP). Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách Trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.

Tổng số chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn. Đến ngày 31/12/2021, NSNN đã quyết định chi 45,1 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19 và 28,9 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2021, bội chi NSNN thực hiện đạt dưới 4% GDP.

Năm 2022, Bộ Tài chính phấn đấu mục tiêu: Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN. Phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN là 1.411,7 nghìn tỷ đồng; dự toán chi là 1.784,6 nghìn tỷ đồng; dự toán bội chi mức 4% GDP.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả của Bộ Tài chính đã đạt được trong năm 2021. Bộ đã có chính sách khuyến khích thu, tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng cho các địa phương. Nhiệm vụ năm 2022 chuẩn bị tâm thế khó khăn hơn, đề nghị Bộ Tài chính khắc phục những hạn chế, bất cập trong năm 2021. Đồng thời nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính – NSNN, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; lắng nghe các ý kiến của các địa phương, các bộ, ngành nhất là những vướng mắc để bổ sung, hoàn thiện thể chế. Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thắt chặt chi tiêu, quản lý bội chi, kiểm soát nợ công, góp phần hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2022./.

Bích Ngọc

Xem thêm