Sản xuất công nghiệp Bắc Kạn giữ đà tăng trưởng

Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt trên 1.441 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với nhiều biện pháp của tỉnh, ngành Công thương và sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, giá trị công nghiệp của tỉnh vẫn đạt kết quả khả quan, với trên 1.441 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm. Trong đó, công nghiệp khai thoáng ước đạt hơn 421 tỷ đồng, tăng 9,3%; công nghiệp chế biến ước hơn 905 tỷ đồng, tăng 6,86%; công nghiệp sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước đạt trên 68,6 tỷ đồng, tăng 13,37%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,2%. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu duy trì tăng trưởng, như tinh quặng chì đạt 7.692 tấn, tăng 14,2%; quặng oxít kẽm đạt 33.472 tấn, tăng 46,5%; tinh quặng sắt 86,9 nghìn tấn, tăng 234,2%; điện thương phẩm đạt hơn 273 triệu kWh, tăng hơn 6%...

Đặc biệt, hoạt động sản xuất, chế biến gỗ mặc dù cũng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã rất linh hoạt trong sản xuất gắn với công tác phòng dịch hiệu quả. Nhờ đó, lĩnh vực này luôn đảm bảo hoạt động sản xuất, duy trì tăng trưởng và ngăn ngừa được sự suy giảm, tạo được việc làm cho người lao động. Cụ thể, gỗ bóc các loại đạt 20.275m3, tăng 123,7%; giấy bìa các loại 2.555 tấn, tăng 6,6%; ván dán đạt 56,6 nghìn mét khối…

Năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 190,7 tỷ đồng, tăng 7,31%.
Năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 190,7 tỷ đồng, tăng 7,31% (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, Chợ Mới).

Để đảm bảo hoạt động sản xuất, duy trì phát triển trong sản xuất công nghiệp, tỉnh đã có những chỉ đạo, điều hành một cách cụ thể, quyết liệt; huy động sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và các địa phương trong việc chủ động và kịp thời khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh. Do đó không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Lãnh đạo tỉnh, ngành Công thương chủ động kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp nắm tình hình sản xuất công nghiệp, có giải pháp phù hợp thực tiễn, nhất là việc định hướng về hoạt động sản xuất, nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ...

Đồng thời, để đảm bảo hoạt động sản xuất gắn với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định, ngành Công thương đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh gắn với các phương án phòng, chống dịch của các đơn vị, vừa kịp thời nắm bắt, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chú trọng đầu tư chuỗi sản xuất, từ nguồn nguyên liệu liên kết đến đầu tư công nghệ chế biến nhằm hạn chế thấp nhất về xuất sản phẩm thô ra thị trường, nâng cao được giá trị sản phẩm.

Đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời của các cấp, ngành, địa phương trong việc thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc khắc phục khó khăn, tồn tại, nên cùng với cả nước, tỉnh kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế trong đó có hoạt động công nghiệp đạt kết quả tích cực. Trong năm 2021, giá trị tăng thêm của toàn ngành Công nghiệp (theo giá so sáng năm 2010) đạt 475,7 tỷ đồng, tăng 9,31%, tăng 3,51% so với tốc độ tăng năm 2020, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung trên địa bàn tỉnh là 1,95 điểm phần trăm, cao hơn mức đóng góp của năm 2020 là 0,26 điểm phần trăm. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 209,2 tỷ đồng, tăng 9,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 190,7 tỷ đồng, tăng 7,3%...

Hoạt động sản xuất và giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tiếp tục giữ đà tăng trưởng đã góp phần tạo động lực cho tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự dịch chuyển theo đúng hướng. Cụ thể, tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng dần từ 13,91% năm 2020 lên 14,8% năm 2021; khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đã thu hút 23.750 lao động, với năng suất lao động là 84,3 triệu đồng/lao động./.

A.T

Xem thêm