Tiềm năng phát triển cây trà hoa vàng ở Chợ Đồn

Huyện Chợ Đồn có diện tích đất rừng tự nhiên lớn. Ở một số nơi, điều kiện địa hình, thời tiết rất phù hợp để phát triển cây dược liệu, trong đó cây trà hoa vàng trồng dưới tán rừng tại các xã phía Nam đang được khuyến khích nhân rộng để trở thành sản phẩm hàng hóa.

HTX Hòa Thịnh tại thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá với sản phẩm trà hoa vàng được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
 HTX Hòa Thịnh tại thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá với sản phẩm trà hoa vàng được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá được biết đến là vùng có nhiều diện tích trà hoa vàng. Trước đây, cây mọc tự nhiên dưới tán rừng cũng chẳng mấy ai để ý. Sau này khi các thương lái ở tỉnh Tuyên Quang tìm mua nhiều người bắt đầu khai thác hoa trà, thậm chí nhổ cả gốc cây để bán.

Là người thức thời với thị trường, ông Chu Viết Hòa ở thôn Bản Bẳng đã nhận thấy tiềm năng từ cây trà hoa vàng nên đã tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lọc đem về nhân giống. Năm 2019 ông thành lập HTX Hòa Thịnh với 12 thành viên, đồng thời vận động bà con trồng trà hoa vàng xen dưới tán rừng, mục đích phát triển vùng nguyên liệu, hình thành sản phẩm đặc trưng địa phương. Đến nay, toàn thôn đã có 3,5ha trà hoa vàng, trong đó khoảng 2ha đang cho thu hoạch. Năm 2020, trà hoa vàng của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra cơ hội tiêu thụ, liên kết và phát triển. Trong năm qua, doanh thu của HTX đạt khoảng 300 triệu đồng.  

HTX Hòa Thịnh còn được Dự án liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến hỗ trợ gần 300 triệu đồng để trồng mới 10.000 cây, hỗ trợ phân bón, khoa học kỹ thuật, nhãn mác, bao bì, mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc. Ông Hòa cho biết: "Cây trà hoa vàng phù hợp với điều kiện bóng râm, khoảng 5 năm là cho thu hoạch, không mất nhiều công chăm sóc. Tôi nhận thấy đây là cây dược liệu có tiềm năng rất lớn, nếu tỉnh và các cấp, ngành hỗ trợ làm tốt quy hoạch vùng, đẩy mạnh quảng bá, tuyên tuyền thì sản phẩm sẽ có thể tiêu thụ rộng rãi hơn”.

Thông qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm tới mô hình trồng trà hoa vàng của ông Giàng Seo Sùng ở thôn Khuổi Đẩy, xã Bình Trung. Bãi trồng trà hoa vàng của ông Sùng nằm ở nơi khá hẻo lánh, giữa khe rộng bao quanh là đồi cao, phải đi bằng đường mòn. Ông Sùng là người dân tộc Mông, năm nay đã hơn 60 tuổi, một mình dựng lán làm kinh tế ở khu vực này suốt nhiều năm qua. Cách đây 10 năm ông lên tận Hà Giang sưu tầm giống trà hoa vàng, thời điểm đó 1kg trà tươi có giá 1 triệu đồng/kg nên ông nhất quyết tìm cho bằng được giống trà hoa vàng về trồng trên đồng đất địa phương. Cứ như vậy, ông tự nhân giống bằng cách ươm hạt, mỗi năm trồng thêm vài chục gốc, nhờ đó đến nay ông đã có gần 1.000 cây với quy mô khoảng 1ha. Hiện nhiều cây đã cao quá đầu người, rất hợp ở vùng đất này, tán lá to, bông nở lớn.

Vào vụ thu hoạch, ông Sùng không phải mất công đi bán mà khác có người gọi điện tới đặt mua, giá hiện tại là 400 đồng/kg tươi. Riêng năm 2020, ông khai thác được 1,6 tạ hoa trà tươi, thu về gần 100 triệu đồng. Giá trị kinh tế cao, công chăm sóc ít, nên ông Sùng dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng nhằm tạo thành vùng sản xuất lớn.

Ông Giàng Seo Sùng ở thôn Khuổi Đẩy, xã Bình Trung đã có gần 10 năm gắn bó với cây trà hoa vàng.
 Ông Giàng Seo Sùng ở thôn Khuổi Đẩy, xã Bình Trung đã có gần 10 năm gắn bó với cây trà hoa vàng.

Đồng chí Đặng Đình Phong- Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: "Cây trà hoa vàng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương. Trên địa bàn hiện có 2 HTX ở xã Nghĩa Tá và 1 hộ dân ở xã Bình Trung trồng và sản xuất trà hoa vàng, bước đầu mang lại hiệu quả, được thị trường đón nhận. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu quy hoạch vùng sản xuất, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo tồn nguồn giống. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân nâng cấp, hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường"./.

T. Trang

Xem thêm