Vượt qua lầm lỗi, trồng nên trái ngọt đạt OCOP 3 sao

Vượt qua một thời trai trẻ lầm lỗi, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Nà Pẻn, xã Thanh Mai (Chợ Mới) đã vươn lên phát triển kinh tế với mô hình trồng cây ăn quả.  Sản phẩm cam do gia đình anh làm ra đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Hùng nằm ngay mặt đường xã. Nhưng để gặp được anh, chúng tôi phải vào trong khu đồi trồng cam cách đấy gần 3km, bởi anh chị dành hết thời gian và tâm huyết cho vườn cây ăn quả.

Với dáng người nhanh nhẹn, làm da rám nắng, giọng nói chân chất, anh Hùng kể: "Khi vợ chồng lấy nhau, làm ra tiền có của ăn, của để, tôi theo bạn bè vui chơi, tụ tập... rồi nghiện ma túy lúc nào không hay. Từ một người đàn ông hiền lành, siêng năng, tôi bỏ mặc công việc làm ăn cho vợ để tụ tập cùng bạn nghiện. Khi tỉnh táo, chứng kiến vợ con khổ sở, lo ăn từng bữa, tôi thấy ân hận và quyết tâm từ bỏ ma túy".

Sau khi cai nghiện thành công, anh Hùng tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy cây cam phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai quê mình, anh đã dày công tìm hiểu và quyết định đầu tư trồng cam Vinh. Để tìm ra hướng đi mới cho riêng mình, anh thử sức với mô hình sản xuất cam sạch, hướng tới không sử dụng các loại phân bón hóa chất. Để có được những quả cam thơm ngon khác biệt, anh Hùng đã chọn giống cam Vinh sạch bệnh tại Học viện Nông nghiệp Hà Nội đưa về trồng trên diện tích 2,5ha đồi của gia đình. 

Hiện, vườn cam của gia đình anh Hùng “nói không” với các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, anh sử dụng các loại bẫy tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh và bắt các loại côn trùng gây hại cho quả… Bên cạnh đó, anh cố gắng hạn chế và tiến tới không sử dụng phân bón hóa học trong thời gian tới. “Cái khó của mô hình này, là dù cho chất lượng không hề thua kém, nhưng vì không phun các loại thuốc hóa học nên quả cam không được “đẹp mắt”, bóng mượt như các sản phẩm thường thấy trên thị trường, số lượng hao hụt do các loại côn trùng, sâu hại cũng khá nhiều”, anh Hùng cho biết.

Vườn cam của anh Hùng “nói không” với các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; thay vào đó, anh sử dụng các loại bẫy tự nhiên để bắt côn trùng gây hại cho quả.
Vườn cam của anh Hùng “nói không” với các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; thay vào đó, anh sử dụng các loại bẫy tự nhiên để bắt côn trùng gây hại cho quả.

Trong quá trình trồng, anh tiến hành tỉa những cành sâu bệnh, cành khuất sâu trong tán và cành vượt. Để cam có thể hấp thụ hết dưỡng chất và thuận tiện cho việc bón phân, vợ chồng anh Hùng đã làm cỏ thành hình tròn quanh gốc, với chiều rộng 2m. Để có đủ nguồn nước tưới, anh Hùng đã chủ động xây bể chứa để tích trữ nước. Hiện tại, gia đình anh trồng 1.700 cây cam, trong đó hơn 1.000 gốc đã cho thu hoạch được 3 năm. Năm nay sản lượng cam của gia đình đạt gần 20 tấn. Thời điểm hiện tại gia đình đã bán hết với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Tuy yếu thế hơn về mẫu mã, nhưng đổi lại khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về độ an toàn khi ăn cam nhà anh Hùng. Cũng vì vậy mà sản phẩm của gia đình đang dần được nhiều người biết đến và ủng hộ. Cam chủ yếu được bán lẻ thông qua mạng xã hội, bạn bè… hoặc được anh “ship” tận tay người mua, đảm bảo chất lượng. Những nỗ lực của anh Hùng đã được đền đáp xứng đáng. Năm 2021, cam của gia đình anh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Hiện tại cam của vườn nhà anh Hùng đã có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.

Đồng chí Nguyễn Bá Việt- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: Anh Nguyễn Văn Hùng là tấm gương tiêu biểu của địa phương trong việc vượt qua quá khứ lầm lỗi, dám nghĩ dám làm, nhạy bén vươn lên phát triển kinh tế thành công…/.

Huyền Thương

Xem thêm